Nhiều bất cập về nguồn nước
Khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường đang là mối đe dọa, rủi ro lớn đối với cuộc sống con người trên toàn thế giới. Theo một thống kê sơ bộ trên toàn quốc của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm, nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm. Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt.
Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. Như vậy, nếu không có hành lang pháp lý chặt chẽ và các giải pháp, hành động quyết liệt hơn để kiểm soát nguồn nước, tình trạng thiếu nước, mất an ninh nguồn nước sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn trong nửa sau của thập kỷ này.
Nhiều vấn đề bất cập về nguồn nước vẫn đang hiện hữu nhiều năm qua. Đơn cử, tại một số vùng thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, một số vùng tại tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận… vẫn còn khó khăn hoặc hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn phục vụ cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn mặn khiến khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm. Theo dự báo, có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Trong phiên toàn thể chiều 25/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ.
Hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch
Với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật”.
Đáng chú ý, một trong những nguyên tắc mới trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là “hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số”. Theo đó là các yêu cầu khác về thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.
Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước; trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong cập nhật, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên nước…
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ quan điểm nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, tài nguyên nước phải được quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh và được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.