Nội dung dự thảo được kỳ vọng sẽ hoàn thiện những khoảng trống trong khung pháp lý của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm an ninh nguồn nước trong tình hình mới, đặc biệt trước các thách thức của biến đổi khí hậu.
Tiềm năng tài nguyên nước của Việt Nam theo nhiều đánh giá gần đây khoảng 830 - 840 tỷ m3, tuy nhiên an ninh nguồn nước nước ta đứng trước nguy cơ mất bảo đảm và nguy cơ này sẽ ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước.
Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương lớn liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước. Ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân”.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế, như công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả chưa cao...
Theo số liệu chưa đầy đủ, tại Việt Nam tổng lượng nước cần cho các ngành kinh tế là 137 - 145 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 là 150 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng nước tự nhiên trên các lưu vực sông chỉ đáp ứng được 30%. Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Luật Tài nguyên nước hiện hành thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt. Bởi vậy, tiếp nối những chủ trương, chính sách, quan điểm nêu trên, trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập cũng là một trong những nội dung quan trọng.
Dự thảo bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Đáng nói, vai trò của cộng đồng dân cư cũng là vấn đề được quan tâm ở lần sửa đổi này.
Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước một cách hiệu quả, thực chất trước các thách thức của thời kỳ hiện tại.