Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lịch - Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).
Năm 2016 được coi là một năm thành công trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy của lực lượng Hải quan, với nhiều vụ bắt giữ số lượng lớn ma túy, ông có thể chia sẻ khái quát tình hình năm 2016 và một vài vụ bắt giữ điển hình trong năm qua?
- Năm 2016 có thể coi là một năm khó khăn và đầy thách thức của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của lực lượng Hải quan, khi chúng tôi phải liên tục đối mặt với những thủ đoạn, phương thức mới và hết sức tinh vi của loại tội phạm này. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đã được Tổng cục ban hành, đồng thời áp dụng linh hoạt các biện pháp, cách thức đối phó chúng tôi đã đạt được những kết quả khả quan.
Tính từ đầu năm cho tới nay lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phát hiện, bắt giữ 63 vụ/60 đối tượng, thu giữ: 40,912 và 12 bánh kg heroin; 18,4 kg cocain; 18,4 kg cần sa; 8,597 kg thuốc phiện; 36,982 kg ma túy tổng hợp dạng đá và bột; 15.127 viên ma túy tổng; 2,5 kg tiền chất Ephedrine, 123.477 viên, vỉ thuốc tân dược. Trong đó lực lượng hải quan chủ trì bắt giữ tại địa bàn hoạt động hải quan 29 vụ/ 20 đối tượng, thu giữ: 6,863 kg heroin; 3,69 kg cocain; 35,902 kg cần sa; 6 kg thuốc phiện; 23,96 kg ma túy tổng hợp dạng đá và bột; 901 viên ma túy tổng; 2,5 kg tiền chất Ephedrine; 123.477 viên, vỉ thuốc tân dược.
Ông Nguyễn Văn Lịch |
Trong năm qua, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đã triệt phá và bắt giữ được nhiều vụ buôn bán trái phép chất ma túy, trong đó có những vụ với số lượng lớn chất ma túy được bắt giữ. Cụ thể ngày 03/6/2016, Đội kiểm soát chống buôn lậu ma túy thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành xác lập chuyên án, phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát tiến hành kiểm tra lô hàng quá cảnh thuộc tờ khai số 500043222640 ngày 31/5/2016 của Công ty Cổ phần Vận tải quốc tế KA, phát hiện bắt giữ 15,8kg ma túy đá.
Ông vừa chia sẻ rằng lực lượng phòng chống ma túy của Hải quan đã gặp phải những khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với nhiều thủ đoạn, phương thức mới và tinh vi của tội phạm ma túy, xin ông cho biết cụ thể hơn về những thủ đoạn mới của loại tội phạm này?
- Loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy được xác định là rất nguy hiểm, đặc biệt trong những năm trở lại đây, loại hình tội phạm này có những phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Hải quan. Tội phạm thường lợi dụng dụng các chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh,… nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử (VNACSS/VCIS), áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh để cất giấu, vận chuyển trái phép ma tuý với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Khai báo không đúng với thực tế hàng hóa, khai báo sai tên hàng, số lượng, chủng loại; lợi dụng chính sách doanh nghiệp ưu tiên trong thông quan điện tử để trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất nhập khẩu; cất giấu trong người, phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh; pha tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, các loại thực phẩm; gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong gỗ, khung xe đạp, phụ tùng ô tô, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng, đầu máy DVD và các loại vali, túi xách thiết kế 2 đáy…
Phương thức hoạt động của chúng là lợi dụng các phương thức hoạt động công khai như đầu tư, du lịch, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, qua lại biên giới thăm thân, gửi quà biếu, quà tặng, viện trợ nhân đạo… để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
Các đối tượng thường dùng những thủ đoạn phổ biến như: Ngụy trang, cất giấu ma tuý trong hàng hoá, hành lý, phương tiện vận tải và trong người để vận chuyển qua biên giới, phổ biến là cất giấu ma tuý trong ô tô, cất giấu trong hàng hóa đựng trong các container…
Bắt giữ 15,8 kg ma túy đá tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) là chiến công lớn của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) |
Vậy ngành Hải quan đã và sẽ làm những gì để nâng cao năng lực cho lực lương chuyên trách nhằm đối phó với loại hình tội phạm ngày càng tinh vi và nhiều thủ đoạn này?
- Để đối phó, và kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, bên cạnh các công tác đào tạo nâng cao về nghiệp vụ, chúng tôi cũng thường xuyên có các hoạt động hợp tác và trao đổi thông tin với các bên có liên quan cả trong và ngoài nước nhằm phát huy và nâng cao tối đa nhất có thể hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức mới cho hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng Hải quan. Sự xuất hiện và gia tăng đa dạng các hình thức, thủ đoạn buôn lậu xuyên quốc gia đặt ra những yêu cầu khách quan và cần thiết trong việc cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ (thông tin tình báo hải quan) phục vụ trong các hoạt động điều tra, xác minh và phân tích trọng điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Trong thời gian qua hoạt động này luôn được ngành Hải quan chú trọng và coi đây là một kênh thông tin hiệu quả. Trong các chuyên án đấu tranh thành công của Cục Điều tra chống buôn lậu thời gian qua đều ghi nhận vai trò của thông tin tình báo, hiệu quả của công tác thu thập thông tin thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương.
Trong hợp tác đa phương và khu vực: Với vai trò là đầu mối liên lạc tình báo hải quan trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP), Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát huy tối đa hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo trong khuôn khổ hợp tác để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ trong đấu tranh chuyên án. Hải quan Việt Nam tham gia có hiệu quả các dự án, chiến dịch hành động như: Hệ thống thông báo nhanh các vụ bắt giữ ma tuý trên tuyến hàng không và cảng biển (DSINS Air và DSINS Sea Cargoes; Chiến dịch CATalyst (Chiến dịch chống buôn bán bất hợp pháp các loại chất hướng thần mới) do Hải quan Hàn Quốc đề xuất; Dự án CADS (Dự án đấu tranh chống nạn buôn bán ma túy do hành khách đường hàng không vận chuyển đến/từ/trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương) do Hải quan Hồng Kông đề xuất; Dự án Sky-net do Hải quan Trung Quốc đề xuất…
Về hợp tác song phương:Việc kí kết các MOU hợp tác trong lĩnh vực chống buôn lậu với Hải quan các nước nhằm trao đổi thông tin nghiệp vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực phối hợp kiểm soát ma tuý như: Trung Quốc (1993), Hồng Kông (2013), Lào (2014) đã hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát của Hải quan Việt Nam. Qua hợp tác song phương, các thông tin tình báo đã góp phần làm nên thành công của nhiều chuyên án và các kế hoạch đấu tranh của ngành Hải quan như: Chuyên án UPS 155 năm 2016 và trong năm 2016 chia sẻ thông tin kịp thời để giúp Hải quan Campuchia bắt giữ thành công 2 vụ vận chuyển ma túy hơn 1kg cocaine trong tháng 5/2016 và trong tháng 8/2016 thu giữ gần 5kg cocaine.
Kết quả đạt được trong công tác hợp tác quốc tế về thu thập thông tin đã được nâng cao về mặt lượng và chất, các hoạt động có định hướng chiều sâu, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động nghiệp vụ, qua đó đã nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam trên các diễn đàn khu vực.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!