Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu dịp Tết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 nhằm xử lý kịp thời dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Ngày 11/1, Bộ Y tế có Công điện khẩn số 155/BYT-DP gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các viện vệ sinh dịch tễ/pasteur; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiêm túc thực hiện Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.

Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa đông - xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp; thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 xử lý kịp thời, đặc biệt là người nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, các cơ sở khám, chữa bệnh.

Chủ động phối hợp với các viện, bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới của COVID-19 để lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể, biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Các địa phương tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19, cần quan tâm nhóm nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, lưu ý ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Cạnh đó, cần rà soát, cập nhật các thông điệp và tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, cơ sở lưu trú khách du lịch và cộng đồng.

Sẵn sàng phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch. Các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho khách du lịch nhập cảnh bị mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện. “Trong đó, các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện”, công văn khẩn của Bộ nêu.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, viện pasteur theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong khu vực phụ trách, phối hợp với các địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng chống kịp thời. Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, các viện, bệnh viện giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19. Chủ động hướng dẫn các địa phương giám sát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm các trường hợp nguy cơ, trường hợp mắc bệnh để giải trình tự gene xác định các biến chủng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2…

Trong vấn đề này, các chuyên gia về dịch tễ đều đánh giá ca mắc sẽ tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cho biết nhận định này dựa trên việc phân tích và kinh nghiệm từ việc đánh giá tình hình dịch tễ của các quốc gia khác. Cụ thể, số ca mắc của các quốc gia đều tăng nhanh trong mùa lễ (Giáng sinh, Tết Dương lịch…).

Chuyên gia này đánh giá dựa vào tình hình dịch tễ học, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số ca mắc, tử vong sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau Tết khoảng 15-30 ngày, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng về ca mắc.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng nhận định nguy cơ bùng phát dịch không chỉ tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùa lễ hội do nhu cầu giao thương du lịch tăng, mà còn là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.

Trong khi PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói thêm, ca mắc và tử vong tại Việt Nam đang được kiểm soát do tỷ lệ tiêm chủng của nước ta thuộc nhóm cao trên thế giới. Vì vậy, thời gian tới, việc ca mắc tăng cũng không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta cần đưa ra cảnh báo để giảm nguy cơ cho người dân và đỡ gánh nặng cho ngành Y tế.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông – xuân, dịp lễ, Tết, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.