Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tên gọi và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong Cty nhà nước theo hướng tăng chế độ ăn định lượng lên tới 232.000đ/ngày.
|
Một số đối tượng lao động đặc thù nghề biển được đề xuất nâng từ 45.000đ/ngày lên 108.000đ/ngày (mức 3) và 80.000đ/ngày lên 170.000đ/ngày (mức 4). |
Mức ăn thấp nhất: 77.000đ/ngày
Dự thảo đã quy định cụ thể 5 mức về chế độ ăn định lượng tính thành tiền theo ngày làm việc thực tế. Mức 1 áp dụng với công nhân đèn luồng từ cửa biển vào cảng, công nhân, nhân viên, viên chức trong thời gian đo đạc, chụp ảnh hàng không, đo đạc, chụp ảnh hàng hải thành lập bản đồ địa hình, bản đồ biển được đề xuất nâng từ 32.000đ/ngày lên 77.000đ/ngày.
Mức 2 áp dụng đối với công nhân khai thác khoáng sản trong hầm lò, lái đầu máy và phụ lái đầu máy xe lửa; công nhân, nhân viên, viên chức làm công việc áp tải, chuyển tải, giao nhận than trên biển... được đề xuất nâng từ 37.000đ/ngày lên 93.000đ/ngày.
Ngoài một số đối tượng đang áp dụng mức 2 như trước đây, dự thảo cũng đề xuất thêm 4 nhóm đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng ở mức 2 là: công nhân cơ điện lò, công nhân vận hành máy liên hợp đào lò và khai thác khoáng sản trong hầm lò; nhân viên hoa tiêu hàng hải; nhân viên trực tiếp vận hành, sửa chữa thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát, hiệp đồng bay, nhân viên thông báo tin tức hàng không, nhân viên hiệp đồng thông báo bay; thành viên tổ kỹ thuật chụp ảnh trên máy bay.
Chế độ bồi dưỡng đối với nhóm đối tượng thuộc mức 3, mức 4 như: thợ lặn; thuyền viên tàu đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng thuỷ sản đi biển xa có công suất từ 800 sức ngựa trở lên; tàu trục vớt, cứu hộ, cứu nạn hàng hải;... công nhân, nhân viên, viên chức làm việc trên các tàu vận tải biển trong thời gian đi nước ngoài; công nhân khai thác than khoáng sản trong hầm lò độ sâu trên 100 mét... cũng được đề xuất nâng từ 45.000đ/ngày lên 108.000đ/ngày (mức 3) và 80.000đ/ngày lên 170.000đ/ngày (mức 4).
Đáng chú ý, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất nâng từ 110.000đ/ngày lên 232.000đ/ngày đối với mức 5, là mức áp dụng với công nhân, nhân viên, viên chức là người Việt Nam làm việc tại các giàn khoan, các tàu dịch vụ vận tải dầu khí trên biển; công nhân, nhân viên, viên chức làm việc tại các trạm đèn biển thuộc quần đảo Trường Sa và các trạm đèn biển nằm biệt lập cách đất liền trên 20 hải lý.
Phụ cấp đi biển: 232.000đ/ngày
Ngoài chế độ ăn định lượng nêu trên, dự thảo còn nâng mức phụ cấp đi biển từ 110.000đ lên 232.000đ/ngày để áp dụng đối với công nhân, nhân viên, viên chức trong những ngày thực tế làm việc trên các giàn khoan, các tàu dịch vụ vận tải dầu khí, các công trình dầu khí trên biển, các tàu trục vớt, cứu hộ, cứu nạn hàng hải, tàu công trình biển, tàu thả phao ngoài biển, tàu hộ tống dịch vụ, tiếp tế làm việc trên biển, vận hành luồng tàu biển; công nhân, nhân viên vận hành đèn biển tại các đảo biệt lập xa đất liền; nhân viên hoa tiêu làm nhiệm vụ dẫn tàu ngoài biển…
Đồng thời, Bộ LĐ -TB&XH cũng đề xuất chế độ thưởng an toàn theo 2 mức 15% và 20% lương cấp bậc, chức vụ, áp dụng đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số nghề có điều kiện lao động đặc thù.
Cụ thể, mức 20% tiền lương cấp bậc, chức vụ áp dụng đối với: công nhân, nhân viên, viên chức quản lý, vận hành các nhà máy điện, các công ty sản xuất điện; công nhân, nhân viên, viên chức sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị điện, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện có cấp điện áp từ 110 KW trở lên; thành viên tổ lái máy bay; tiếp viên hàng không; nhân viên ra đa, khí tượng, thông tin, dẫn đường, điện nguồn, nạp khí lạnh phục vụ hoạt động bay; nhân viên an ninh hàng không...
Mức 15% áp dụng đối với: công nhân, nhân viên, viên chức quản lý vận hành hệ thống điện có cấp điện áp dưới 110 KV; viên chức lãnh đạo, quản lý kỹ thuật hệ thống điện; viên chức lãnh đạo, quản lý kỹ thuật máy bay, quản lý điều hành khai thác bay, quản lý an ninh - an toàn, phục vụ, dịch vụ liên quan trực tiếp đến an toàn trong hoạt động bay; công nhân kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống ống dẫn khí từ giàn khoan vào đất liền thuộc ngành dầu khí; nhân viên, viên chức chỉ huy điều độ chạy tàu, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, gồm: trưởng tàu, lái tàu, phụ lái tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng đồn, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe, nhân viên tuần đường, cầu, hầm...
Thái Chi