Mua dễ, đòi bồi thường khó
Theo hồ sơ, ngày 3/9/2014, Trí Tín mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô cho xe ô tô 7 chỗ ngồi, nhãn hiệu Ford Everest, BKS 79A- 057.37 của Công ty Bảo hiểm Bưu điện Khu vực Nam Trung Bộ (là chi nhánh - đơn vị phụ thuộc của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện). Đầu tháng 9/2014, Trí Tín và Công ty Bảo hiểm Bưu điện đã ký với nhau hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới. Theo đó Công ty Bảo hiểm sẽ nhận bảo hiểm xe cơ giới cho xe ô tô trên với phí bảo hiểm vật chất gần 10 triệu đồng, số tiền bảo hiểm 823 triệu, thời hạn 1 năm.
Ngày 26/3/2015, tài xế Lê Bền điều khiển xe trên chở bà Võ Thị Minh Nguyệt (Giám đốc) và một số người khác đi đưa đám tang người thân của bà Nguyệt tại nghĩa trang Suối Đá thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Trên đường đi từ nghĩa trang ra quốc lộ, khi xe ô tô đi đến chỗ giao với đường ray tàu hỏa không may ô tô va vào đoàn tàu hỏa. Vụ tai nạn đã làm ô tô bị hư hỏng nặng. Do có mua bảo hiểm nên Trí Tín đã gửi hồ sơ tới Công ty Bảo hiểm Bưu điện để yêu cầu bồi thường tổn thất xe do tai nạn.
Tuy nhiên, ngày 25/4/2015 Công ty Bảo hiểm Bưu điện có công văn từ chối việc bồi thường, cho rằng do tài xế điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của biển báo tín hiệu khi qua đường ngang. Công văn này nêu rõ căn cứ vào hình ảnh hiện trường, nhân chứng hiện trường, lời khai của lái xe lập trong bản tường trình “đến gần ngã tư thấy tín hiệu đèn đỏ”. Biên bản hiện trường do cung trưởng cung thông tin tín hiệu Nha Trang lập ghi: Khi tàu hỏa đến đường sắt cắt ngang đường dân sinh “thiết bị cảnh báo tự động đã có tín hiệu báo đèn đỏ nhấp nháy, chuông kêu to rõ”. Biên bản tai nạn do lái tàu lập, ghi “Lái tàu đã kéo còi nhiều lần nhưng ô tô vẫn vượt đường ngang có tín hiệu tự động hoạt động tốt”.
Bên bảo hiểm còn căn cứ vào biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông của Công an giao thông huyện Cam Lâm lập với nội dung “nguyên nhân vụ tai nạn là do ông Lê Bền điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo tín hiệu khi qua đường ngang”.
Theo điểm 7 Điều 9 quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô kèm theo Quyết định số 81/2013/QĐ-PTI ngày 4/4/2013 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, những điểm loại trừ chung là: “Xe đi đêm không có đèn chiếu sáng theo quy định; xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; rẽ, quay đầu tại nơi bị cấm; đi ngược chiều của đường một chiều; vượt đèn đỏ hoặc không chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”. Từ đó để cho rằng tổn thất trên không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, bên bảo hiểm không giải quyết bồi thường.
Sau khi nhận được công văn từ chối trên, Trí Tín tiếp tục gửi công văn cho Công ty Bảo hiểm Bưu điện để yêu cầu thực hiện việc bồi thường nhưng bị khước từ. Trí Tín khởi kiện Công ty Bảo hiểm Bưu điện ra tòa đòi bồi thường số tiền tổn thất xe là hơn 400 triệu đồng (sau đó được giảm trừ còn hơn 380 triệu đồng”.
“Lập luận” khó chấp nhận
Ngày 30 và 31/8 vừa qua, TAND TP Nha Trang đã mở phiên tòa đưa vụ kiện này ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện bị đơn vẫn bảo lưu quan điểm của mình và cho rằng do lái xe vi phạm giao thông “vượt đèn đỏ” nên không chấp nhận bồi thường. Vị này cho rằng lái xe “cố ý” lao vào tàu hỏa chứ không phải vô ý như luật sư của nguyên đơn trình bày, bởi theo lời người lái tàu khai, đã kéo còi nhiều lần, cố hãm phanh nhưng tài xế xe ô tô vẫn cố vượt.
Ngược lại, luật sư của nguyên đơn cho rằng: “Không ai điều khiển xe mà lại cố ý lao vào tàu hỏa để chết cả, có thể tài xế không nghe thấy được tiếng chuông, còi hay tín hiệu đèn thôi, chứ lái xe đi rất chậm, trên xe chở nhiều người đi đám tang, nếu cố tình thì đi rất nhanh. Mặt khác có đèn tín hiệu bật sáng hay không thì chỉ một phía, nếu có lỗi thì chỉ một phần nhỏ, vô ý do cẩu thả chứ không phải cố ý”.
Khi nghe luật sư của nguyên đơn chấp nhận 10% lỗi thì đại diện Công ty Bảo hiểm Bưu điện đặt ngược câu hỏi: “Nếu nguyên đơn nhận lỗi 10% thì đoàn tàu 90%. Giả sử tôi bồi thường cho nguyên đơn, nguyên đơn có thế quyền cho chúng tôi đi đòi bên thứ ba (tức bên nhà tàu - PV) không?” và tiếp tục từ chối bồi thường.
Vị chủ tọa hỏi đại diện bảo hiểm tại Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm có ghi rõ “Quy tắc bảo hiểm xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 81/2013/QĐ-PTI của Tổng Giám đốc...”, khi ký hợp đồng thì Quyết định 81 này có kèm theo hợp đồng không, đại diện bảo hiểm trả lời: “Không”.
Vị chủ tọa hỏi tiếp: Trong hợp đồng có ghi rõ các điều khoản loại trừ không”? Phía bảo hiểm cho rằng các điều khoản này quá dài nên không đưa vào.
Lúc này vị chủ tọa nghiêm giọng: “Mua bảo hiểm thì dễ chứ đòi bồi thường được thì khó lắm. Ký hợp đồng chỉ giao hợp đồng lại không giao kèm theo các nguyên tắc đó. Các anh bán bảo hiểm muốn bán cho được, cứ “lập lờ đánh lận con đen”, không đưa các điều khoản loại trừ vào hợp đồng để cho người mua biết được mà tránh không mua, khi không biết mua của các anh rồi, đến lúc xảy ra chuyện thì các anh lấy cớ này nọ từ chối bồi thường."
Chủ tọa tiếp tục hỏi: “Một vụ tai nạn giao thông, mức tổn thất như vậy có quá lớn không, hay tương xứng”? Đại diện bảo hiểm trả lời: “Không quan tâm đến vấn đề giá cả nhiều hay ít vì đã từ chối rồi”.
Chủ tọa nghiêm khắc: “Không quan tâm, không biết người ta đưa ra đúng hay sai, không có một chút tinh thần hòa giải nào, phải coi hỗ trợ cho người ta, mức người ta đưa ra có tương xứng không mình phải biết chứ đừng nói là đã từ chối thì không quan tâm. Hãy nhìn rõ vào thực tế chứ không thể biện bạch như vậy. Người ta mua bảo hiểm là để đề phòng khi bị rủi ro chứ hiếm ai cố ý tạo ra tai nạn để được nhận bảo hiểm cả, cho nên điều khoản loại trừ cần phải được đưa vào đầy đủ trong hợp đồng chứ không phải dẫn cái Quyết định 81 nào đó vào rồi từ chối người ta một cách vô lý như vậy”.
Sau khi nghị án, Tòa xét thấy việc từ chối của Công ty bảo hiểm là không có cơ sở nên đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Bảo hiểm Bưu điện phải bồi thường cho Trí Tín số tiền là 345 triệu đồng (trừ 10% lỗi trong số tiền hơn 380 triệu thiệt hại).