Mới đây nhất, trong tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – im lặng hay lên tiếng” do Liên minh Truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM), Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và Nhóm Quản trị quyền trẻ em (CSR) điều phối tổ chức ngày 14/3, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh đã chia sẻ câu chuyện mình bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ.
Những tưởng đã quên đi câu chuyện đó, nhưng đến khi nghe câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu chị quyết định lên tiếng kể lại câu chuyện của mình để cộng đồng xã hội nhận rõ bộ mặt của những kẻ thủ ác, từ đó có biện pháp ngăn chặn, răn đe.
Ở góc độ chính khách, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cũng đặt câu hỏi khi trao đổi với báo chí: "Tại sao với những vụ án về trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, phải đợi sự phản ánh của báo chí, sự phẫn nộ lên tiếng của dư luận xã hội, thậm chí phải có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước thì các vụ việc mới được quan tâm xem xét điều tra nhanh chóng?".
Còn một ông bố có con gái bị xâm hại tình dục từ năm 3 tuổi và đã 2 năm nay đi kêu cứu khắp nơi mà chưa có kết quả đã khóc nghẹn đặt câu hỏi: “Công an ở đâu... mà không trả lại công lý cho con tôi?”.
Dư luận cũng nghi ngờ cho rằng: “Phải chăng sự im lặng, thiếu phối hợp của các cơ quan, Hội đoàn thể có chức năng bảo vệ trẻ em trong thời gian qua, phải chăng là do nhận thức chưa đúng đắn về pháp luật trẻ em..., hay do pháp luật Việt Nam chưa đủ mạnh để bảo vệ trẻ em, được xem là đối tượng yếu thế cần được pháp luật bảo vệ tuyệt đối?” là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc về xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra với mật độ cao, mức độ nghiêm trọng.
Trong một khảo sát về việc: “Tại sao các vụ xâm hại tình dục trẻ em chậm xử lý” với 541 lượt ý kiến, trong đó: 44.2% người cho rằng đó là do cơ quan pháp luật ít quan tâm, 22.9% cho rằng Việt Nam đang thiếu vắng các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em, 16,3% cho rằng thân nhân và nạn nhân muốn giấu thông tin, 8.7% cho rằng thế lực của kẻ phạm tội rất mạnh, còn 7.9% nhóm cha mẹ chưa biết cách lên tiếng.
Điều đó cho thấy, để xảy ra những hành vi xâm hại trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội nên nhiều câu hỏi cần được các cơ quan chức năng và toàn xã hội trả lời để trẻ em không còn là nạn nhân trong những vụ bạo hành, xâm hại tình dục, nhất là khi Luật Trẻ em 2016 (đã được Quốc hội khóa XIII thông qua) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2017.