Tại Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức nghi lễ Thượng nêu theo phong tục truyền thống của người Việt Nam vào dịp tết Nguyên đán
Lễ Thượng nêu là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên đối với người Việt Nam, tục dựng nêu đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời. Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam, tạo không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành; đồng thời nghi lễ Thượng nêu cũng thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Thượng nêu đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. |
Nhận thức về ý nghĩa quan trọng của lễ Thượng nêu, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã nghiên cứu và tái hiện lại nghi lễ Thượng nêu ngày tết, mang đến cho đông đảo nhân dân và du khách được trải nghiệm và hiểu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Với mục đích hướng về cội nguồn,Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ mong muốn thông qua các sự kiện lần này có thể bồi dưỡng kiến thức lịch sử địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha trên vùng đất di sản đối với thế hệ trẻ học đường hôm nay.
Sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm bồi dưỡng kiến thức lịch sử di sản cho thế hệ trẻ học đường hôm nay. |