[links()]Từng tham gia nhiều vụ án hình sự, Luật sư Nguyễn Thị Bảo Châu (Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự, Hà Nội) nhận định “quy định về tách, nhập vụ án hình sự còn nhiều bất cập”.
Luật sư Nguyễn Thị Bảo Châu |
- Thưa bà, việc quy định về nhập vụ án hiện nay dễ dẫn đến tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan điều tra?
- Trước tiên, nói về những bất cập trong việc nhập vụ án quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS). Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Trong hoạt động thực tiễn cho thấy có trường hợp nhập vụ án đã thể hiện bất cập là đối với trường hợp một bị can phạm nhiều tội ở nhiều thời gian và địa điểm khác nhau, hoặc trường hợp nhiều bị can đồng phạm một tội nhưng thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau điều này rất dễ xảy đến việc tranh chấp về thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ quy định tại Khoản 4 Điều 110 BLTTHS.
Điều luật quy định: Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
- Có ý kiến cho rằng việc tách vụ án hình sự trong nhiều trường hợp gây bất lợi cho bị can vì vụ án không được xem xét một cách toàn diện. Bà thấy sao?
- Về việc tách vụ án quy định tại Khoản 2 Điều 117 BLTTHS được thực hiện trong trường hợp có nhiều đồng phạm nhưng vì lý do có đồng phạm bỏ trốn. Do áp lực của thời gian, để đảm bảo thời hạn điều tra được thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS thì cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải tách vụ án bằng cách ra quyết định tạm đình chỉ việc điều tra đối với bị can đang bỏ trốn đồng thời ban hành quyết định truy nã. Một mặt tiếp tục tiến hành điều tra đối với bị can đang bị tạm giam.
Việc tách vụ án sẽ phát sinh những bất cập vì hoạt động tố tụng còn vắng mặt bị can đang bỏ trốn nên sự thật khách quan của vụ án chưa được làm rõ.
Điều này thể hiện ở chỗ toàn bộ chứng cứ của vụ án chỉ dựa vào lời khai của bị can đang bị tạm giam cùng các chứng cứ khác mà thiếu lời khai của kẻ đồng phạm bỏ trốn, dẫn đến nguy cơ vi phạm tố tụng trong các hoạt động: Đối chất theo Điều 138 BLTTHS, nhận dạng theo Điều 139 BLTTHS, khám nghiệm hiện trường theo Điều 150 BLTTHS, thực nghiệm điều tra theo Điều 153 BLTTHS…. Và như thế hậu quả thường dẫn đến phán quyết của bản án chưa thực sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không những thế còn có những lỗi vi phạm tố tụng.
Mặt khác, nhiều bất cập thường phát sinh khi bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt thì một thời gian dài sau người đồng phạm kia mới bị bắt lại theo lệnh truy nã. Khi đó sự thật có thế trở nên khác hoàn toàn so với bản án trước kia đã tuyên, việc tái thẩm bản án cũ chắc chắn phải được lật lại thì đã rõ, nhưng những hậu quả thiệt hại do bản án oan sai bị tái thẩm không dễ có thể khắc phục được.
- Nếu như vậy, việc tách vụ án không đúng sẽ dẫn đến mất công bằng, không đảm bảo tính khách quan ngay cả việc xem xét trách nhiệm bồi thường?
- Đúng vậy, bất cập trong việc tách vụ án hình sự còn có thể xảy ra trong vấn đề xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hoặc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự quy định tại Điều 28 BLTTHS. Đối với trường hợp vụ án có đồng phạm thì các đồng phạm phải có chung nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho phía bị hại do hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã gây ra.
Thông thường đối với vụ án có một số bị cáo bỏ trốn, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng thường buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh trong vụ án, mặc dù thiệt hại này do cả những người đồng phạm đang bỏ trốn gây ra cho bị hại.
Trong trường hợp này, thường sau khi tuyên buộc trách nhiệm bồi thường của bị cáo, bản án có tuyên thêm: về trách nhiệm liên đới bồi thường của người đồng phạm bỏ trốn kia thì bị cáo nếu có yêu cầu sẽ giải quyết ở vụ án khác. Điều này sẽ dẫn đến một sự thật bất công trong trường hợp bị cáo là người tự nguyện ra đầu thú thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường trong khi kẻ bỏ trốn (có thể là kẻ chủ mưu với trách nhiệm cao hơn) thì lại không bị buộc phải bồi thường thiệt hại gì cho bị hại.
- Xin cảm ơn bà.
Bình An (thực hiện)