Suy nghĩ về phát triển giáo dục đại học Việt Nam cùng khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên mới

GS. Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ – Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT
GS. Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ – Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT
(PLVN) - Không nên nghĩ chúng ta đang chảy máu chất xám, nguồn lực khoa học công nghệ (KHCN) cho thế giới, mà nên nghĩ theo hướng, chúng ta phải hợp tác sâu rộng để học hỏi thế giới, để Việt Nam có thể phát triển cùng thế giới. Phải có chính sách đột phá để thu hút “hiền tài” tới Việt Nam sống và làm việc, cống hiến cho Việt Nam.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia – Câu nói nổi tiếng của vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499), vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám (1484), đã khẳng định vai trò quan trọng của “hiền tài” trong việc hưng thịnh đất nước: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí.

Lời chỉ bảo của ông cha về yếu tố quan trọng nhất, về cốt lõi tinh hoa của dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Giáo dục đại học (GDĐH) chính là môi trường quan trọng nhất để chuẩn bị “hiền tài” cho đất nước trong thời đại của khoa học và công nghệ (KHCN). Mục tiêu của GDĐH Việt Nam là chuẩn bị “hiền tài”, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển đất nước. Nói cách khác, không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có “hiền tài”, không thể phát triển đất nước.

Giáo dục ĐH tích hợp với hệ thống KHCN, gắn với công nghiệp công nghệ cao

GDĐH và KHCN có mối liên quan chặt chẽ với nhau. KHCN tạo điều kiện phát triển GDĐH. Ngược lại, GDĐH cung cấp nhân lực cho KHCN.

Trong hệ thống GDĐH và KHCN, con người là quan trọng nhất, quyết định chất lượng của cả hệ thống. Trong đó, hệ thống giảng viên ĐH phải được gắn trực tiếp với nghiên cứu KHCN, với các ứng dụng và phát minh KHCN mới. Giảng viên có tham gia vào các dự án KHCN, mới có thể cập nhật, truyền tải những kiến thức mới, có ứng dụng thực tế, tới sinh viên của mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về KHCN trên toàn cầu hiện nay. Các nghiên cứu viên, các nghiên cứu sinh bậc thạc sỹ và tiến sỹ còn là nguồn nhân lực bổ xung quan trọng cho hệ thống giảng viên của GDĐH.

GS VS Nguyễn Quốc Sỹ và sinh viên trong phòng thí nghiệm vật lý plasma ở Đại học năng lượng quốc gia Moscow, Nga

GS VS Nguyễn Quốc Sỹ và sinh viên trong phòng thí nghiệm vật lý plasma ở Đại học năng lượng quốc gia Moscow, Nga

Các phòng thí nghiệm (PTN) công nghệ cao (CNC), thực chất, là nơi thực hành và đào tạo GDĐH nhân lực chất lượng cao rất tốt không chỉ về kỹ thuật, công nghệ mà còn là nơi cung cấp cho sinh viên, nhân lực tương lai của các ngành công nghệ, kỹ năng làm việc quan trọng khi ra trường. Để có thể tham gia sâu vào thị trường lao động của các ngành công nghiệp CNC, cần không chỉ kiến thức về công nghệ mà cả các kỹ năng mới, đáp ứng đòi hỏi của công việc. Ví dụ như thiết kế các vi mạch điện tử số. Ngoài các kiến thức nền về thiết kế vi mạch số, sinh viên rất cần các kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm trong các chương trình thiết kế mới, giúp phân chia công việc của các thành viên theo dạng modul hóa, đồng thời nâng cao chất lượng công việc thiết kế, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa các kỹ thuật trong quy trình thiết kế và thử nghiệm vi mạch.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: "Trong hệ thống giáo dục đại học và khoa học công nghệ con người là quan trọng nhất, quyết định chất lượng của cả hệ thống"

Nếu tích hợp tốt hệ thống R&D, các PTN CNC, các PTN trọng điểm vào hệ thống GDĐH, chúng ta có thể giúp hệ thống đào tạo của chúng ta có cơ sở nghiên cứu và thực hành hiện đại, sử dụng chung nguồn lực về trang thiết bị và con người, tiết kiệm chi phí. Với những nhiệm vụ nghiên cứu có tính ứng dụng cao, nhân lực sau khi đào tạo mới có thể đáp ứng yêu cầu chất lượng của các ngành CNC. Khi các trung tâm nghiên cứu công nghệ và PTN CNC được đặt tại các cơ sở GDĐH thì không chỉ các sinh viên có điều kiện học tập, thực hành trên hệ thống nghiên cứu hiện đại, sát với thực tế, mà còn cho phép hệ thống giảng viên của chúng ta thực hiện các nghiên cứu KHCN, trực tiếp tham gia nghiên cứu và hướng dẫn, hợp tác với các đồng nghiệp tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo khác, luôn có điều kiện tốt để cập nhật thông tin KHCN, hợp tác KHCN, nâng tầm kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Thực tế cho thấy, các nghiên cứu viên khoa học trực tiếp tham gia đào tạo, truyền thụ kiến thức cho sinh viên cũng có khả năng tư duy khoa học, sắp xếp kiến thức mạch lạc và logic hơn, giúp công việc nghiên cứu khoa học hiệu quả. Đồng thời quá trình này cũng giúp các nhà khoa học, là giảng viên, phát hiện các sinh viên suất sắc, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao và bổ xung nguồn lực cần thiết cho đội ngũ nghiên cứu khoa học. Kết quả là chúng ta có hệ thống các nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên giỏi cả trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Vì vậy, phải tích hợp hệ thống R&D với hệ thống GDĐH, giảm tối đa các viện nghiên cứu độc lập. Việc này giúp tối ưu không chỉ quy trình đào tạo và nghiên cứu, mà còn tiết kiệm chi phí đào tạo, chọn lựa nhân lực cho hệ thống GDĐH và KHCN.

GDĐH cũng không thể tách rời khỏi hệ thống công nghiệp công nghệ cao. Nếu như 20-30 năm trước, khi mà tỷ lệ công nghệ trong các ngành công nghiệp sản xuất chưa cao, sự cạnh tranh về công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa gay gắt, quyết liệt, các ngành công nghiệp có thể đứng riêng với hệ thống GDĐH, thì nay, hầu như tất cả các ngành công nghiệp đã được ứng dụng sâu công nghệ, tích hợp trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phải kể tới các công nghệ mới nổi, nhưng quyết định chất lượng cũng như giá trị gia tăng sản phẩm như các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, các công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật IoT, các công nghệ tự động hóa thế hệ mới, mạng thông minh ... Vòng đời của các công nghệ, thậm chí những công nghệ lõi, công nghệ nền đã giảm từ 10-15 năm xuống chỉ còn 3-5 năm, và còn ít hơn nữa. Vì vậy, nhiều trung tâm, PTN nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ được xây dựng, tích hợp ngay trong hệ thống công nghiệp công nghệ cao, để giảm thiểu chi phí vận hành và gần hơn với ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian, quy trình, vòng đời của các công nghệ trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt về công nghệ và nhu cầu đổi mới từ thị trường. Trong tình hình đó, GDĐH cũng phải chuyển mình, thay đổi phù hợp, thích nghi và đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của thị trường lao động. Gắn GDĐH, trong đó có chương trình, hệ thống R&D và đào tạo, thực hành, chặt hơn và gần hơn với các cơ sở công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi đổi mới công nghệ và nhân lực chất lượng cao, là mệnh lệnh từ cuộc sống.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ say mê với các công trình nghiên cứu.Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ say mê với các công trình nghiên cứu.

Từ nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực chất lượng cao, GDĐH của nhiều quốc gia đã thay đổi theo hướng tích hợp hệ thống quản lý, điều hành GDĐH với KHCN. Ví dụ từ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên bang Nga đã cơ cấu lại thành hai – Bộ khoa học và GDĐH và Bộ Giáo dục và đào tạo (chuyên về giáo dục phổ thông và mầm non). Sự thay đổi hợp lý này, không chỉ giúp GDĐH tích hợp với KHCN nói chung mà còn giảm thiểu rất nhiều khâu trung gian trong tổ chức, điều hành. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống, sử dụng chung nguồn lực về con người, trang thiết bị, cho phép hỗ trợ, bổ xung các nhiệm vụ KHCN và GDĐH trong một cơ cấu thống nhất, giúp hệ thống hoạt động nhanh hơn, nhịp nhàng hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Đây là điều mà Việt Nam nên tham khảo.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao không nên đại trà

Nhân lực cho các ngành CNC phải có chất lượng cao. Nhưng nếu chất lượng cao thì hệ thống GDĐH không thể đào tạo đại trà. Tất nhiên, nhân lực các ngành CNC có ở nhiều cấp độ, nhiều dạng công việc khác nhau. Trong đó, có lực lượng lao động là kỹ sư các ngành kỹ thuật và công nghệ, các nhà khoa học, và cả các nhà quản lý. Có những nhân lực là kỹ sư thực hành, trực tiếp tham gia, điều hành công việc sản xuất. Chất lượng cao thường không đồng hành với đào tạo đại trà.

Một ví dụ về cách đào tạo đại trà nhân lực chất lượng cao, là chuyển hàng ngàn nhân lực các ngành thông tin, viễn thông đã đào tạo, sang đào tạo lại về bán dẫn trong thời gian 6-12 tháng theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Khó có thể có nhân lực chất lượng cao về bán dẫn trong thời gian đào tạo ngắn như thế, khi về cơ bản là phải đào tạo lại, vì các ngành này, về bản chất, khác nhau.

Một ví dụ nữa cũng về đào tạo chất lượng cao, nhưng cách tiếp cận và triển khai lại rất “đại trà” là Đề án đào tạo cấp tốc 20.000 tiến sĩ (Đề án 911), hay các đề án 322, đề án 89. Các dự án này đã hoặc đang triển khai, và có rất nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực về chất lượng đào tạo và hiệu quả của các dự án này từ các chuyên gia GDĐH.

Nhất định không thể phổ cập GDĐH, mà phải phân luồng đào tạo từ phổ thông, cũng như không thể đào tạo chất lượng cao, đại trà cho các ngành công nghệ cao (như đào tạo, trong thời gian ngắn, hàng chục nghìn chuyên gia bán dẫn, với năng lực hạn chế của hệ thống GDĐH, khó đảm bảo chất lượng đầu ra).

Hiện nay, chúng ta cũng có quá nhiều chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo về công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao... Phải có tổng kết, đánh giá chất lượng đào tạo, hiệu quả đạt được của các dự án này, tránh hình thức và lãng phí.

Cần đầu tư hơn nữa cho GDĐH và KHCN

Đầu tư vào KHCN và GDĐH là đầu tư cơ bản, mang ý nghĩa chiến lược cho phát triển của đất nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính [3] thì ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho GDĐH ở mức 5 – 7 lần thấp hơn so với nhóm các nước có thu nhập từ thấp tới cao (theo tỉ trọng trên GDP và cả NSNN) trong khu vực và trên thế giới. NSNN chi cho GDĐH, giai đoạn 2013-2022, giảm từ 19.271 tỷ đồng năm 2013 xuống 10.429 tỷ đồng năm 2022. Theo tỷ trọng trên GDP, NSNN chi cho GDĐH giảm từ 0,43% năm 2013 xuống 0,11% năm 2022. Theo tỷ trọng trên tổng NSNN chi cho giáo dục và đào tạo, phần kinh phí NSNN chi cho GDĐH giảm từ 9,3% năm 2013 xuống còn 3,4% năm 2022. Số liệu của Tổng Cục thống kê cũng cho biết, tổng chi tất cả cơ sở GDĐH năm 2020 là 47,8 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6% GDP. So với mức trung bình các nước OECD, EU và một số nước trong khu vực, tỷ trọng tổng chi GDĐH trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn 2 - 3 lần.

GS VS Nguyễn Quốc Sỹ và TS.Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục

GS VS Nguyễn Quốc Sỹ và TS.Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục

Về KHCN, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (GERD) của Việt Nam, năm 2023, chỉ chiếm 0,43% GDP. So với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ.

Những số liệu thống kê này thật sự đáng lo ngại. Đòi hỏi phải sớm có những thay đổi về đầu tư cho GDĐH và KHCN. Mặt khác, các dự án đầu tư cho KHCN và GDĐH từ nhiều năm nay cần phải được đánh giá lại một cách tổng quát, lưu ý đặc biệt tới tiêu chí hiệu quả sử dụng trang thiết bị, con người, bộ máy tổ chức quản lý. Đánh giá toàn diện và tìm ra những nguyên nhân, kể cả thất bại và thành công, đặc biệt là các dự án đầu tư công, dùng ngân sách nhà nước, rút kinh nghiệm, để đầu tư hiệu quả hơn trong điều kiện hạn hẹp về ngân sách.

GDĐH xây dựng con người trí thức yêu nước, có tư duy mở và phương pháp luận khoa học

Một đất nước với trên 70% dân số còn gắn với nông nghiệp như Việt Nam, có ảnh hưởng chủ đạo của văn hóa lúa nước từ nhiều ngàn đời nay, chắc chắn con đường phát triển KHCN và GDĐH sẽ khác với các nước khác, nhất là các nước phát triển, các nước có nền công nghiệp tiên tiến. Văn hóa lúa nước không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của đại bộ phận nhân dân, phong tục tập quán, mà còn tới tư duy, phương pháp luận khoa học của trí thức Việt Nam. Vì vậy, phát triển KHCN và GDĐH phải tiến hành phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, mới có thể hiệu quả và thành công.

Muốn làm điện hạt nhân, muốn làm công nghiệp bán dẫn, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, hay chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI...đều cần phải có con người trí thức yêu nước, có chuyên môn sâu, tác phong công nghiệp, kỷ luật và tư duy khoa học mở. Cái này, không bỗng dưng mà có, mà phải được trui rèn từ sớm, cần nhiều công sức, thời gian, từ trong gia đình, xã hội, trong môi trường giáo dục, nhất là GDĐH.

GDĐH phải đặt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng con người trí thức mới, yêu nước, thương dân, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc, có lòng tự trọng, liêm sỉ. Con người trí thức mới, có tư duy mở và phương pháp luận khoa học, vừa giỏi chuyên môn, vừa yêu nước, mới có thể gánh vác trọng trách, đưa đất nước tiến lên. Để xây dựng con người trí thức mới, đội ngũ trí thức mới, GDĐH cần phải có môi trường lành mạnh, với đội ngũ lãnh đạo quản lý thật sự là những trí thức tâm huyết, có trình độ, dám gạt bỏ mọi lợi ích cá nhân, vì sự nghiệp chung của đất nước.

Để đào tạo được con người trí thức mới thì GDĐH và KHCN phải là môi trường học thuật và nghiên cứu mở, có tự do học thuật và sáng tạo, có cơ chế vận hành khoa học, có thể tiếp thu phản biện và tự sửa chữa, thích nghi và tự hoàn thiện, tôn trọng ý kiến nhiều chiều, miễn là tích cực, có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước. Hệ thống GDĐH và KHCN của các quốc gia phát triển đều như vậy. Chúng ta cũng không ngoại lệ.

Hợp tác quốc tế sâu rộng, nâng tầm GDĐH và KHCN Việt Nam

Muốn đi xa và đi nhanh, phải đi với bạn tốt, bạn giỏi.

Hợp tác quốc tế không chỉ nâng tầm mà còn đảm bảo cho thành công của GDĐH và KHCN. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác quốc tế về GDĐH và KHCN càng quan trọng đối với chúng ta. Hợp tác quốc tế không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu, mà còn tạo nguồn lực lớn cho phát triển GDĐH và KHCN, mở ra thị trường cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Sự liên kết, hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu, trung tâm KHCN, các khu công nghiệp công nghệ cao với các đối tác quốc tế, không những giúp hệ thống GDĐH của chúng ta thích nghi, tiến bộ, đổi mới, thậm chí có thể “thay máu” khi cần thiết, mà còn mở ra cơ hội cho phép tích hợp sâu vào nền kinh tế trí thức toàn cầu, giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững. Hợp tác quốc tế sâu rộng, cho phép nhân lực của hệ thống GDĐH và KHCN, đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế, cho phép lao động trí thức của chúng ta hội nhập sâu vào hệ thống KHCN của các nước để học hỏi và thực hành, trau dồi kiến thức, rất cần cho phát triển đất nước. Nếu không có hợp tác quốc tế sâu rộng, không thể có đội ngũ chuyên gia cao cấp, nhà KH giỏi để đảm đương các nhiệm vụ KHCN mũi nhọn mà Việt Nam cần, trong khi hệ thống đào tạo của chúng ta còn nhiều hạn chế.

Hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam đào tạo, mà còn khai thác nhân lực chất lượng cao của thị trường KHCN thế giới. Nên thay đổi tư duy, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước chúng ta về GDĐH và KHCN. Hợp tác quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giúp chúng ta nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo, thu hút chất xám, đồng thời sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có của cả hệ thống.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Cách làm GDĐH và KHCN từ nhiều năm nay chắc chắn cần đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn ( Ảnh minh họa)

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Cách làm GDĐH và KHCN từ nhiều năm nay chắc chắn cần đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn ( Ảnh minh họa)

Khiêm tốn, cầu thị, quyết tâm mới mong thành công

Cách làm GDĐH và KHCN từ nhiều năm nay chắc chắn cần đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Không nên hình thức, mà phải quan tâm chủ yếu tới chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng, theo lợi nhuận. Cũng không nên cho rằng chúng ta có nhiều lợi thế lắm trong GDĐH và KHCN, nhiều cơ hội lắm... Như thế là không đúng với tình hình thực tế, rất nguy hiểm cho sự nghiệp chung, có hại cho đất nước.

Con người là yếu tố quan trọng nhất của hệ thống. Phải có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn kẻ xấu, kẻ cơ hội, bất tài, tiến tới loại bỏ chúng ra khỏi hệ thống GDĐH và KHCN. Đồng thời khuyến khích, bảo vệ những người tốt, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước, mới có thể làm cuộc “cách mạng” trong GDĐH và KHCN, đưa đất nước tiến lên. Ông cha ta dậy, khó mấy cũng có cách làm, chỉ sợ không quyết tâm, không đồng lòng, không khiêm tốn.

Không nên nghĩ chúng ta đang chảy máu chất xám, nguồn lực KHCN cho thế giới, mà nên nghĩ theo hướng, chúng ta phải hợp tác sâu rộng để học hỏi thế giới, để Việt Nam có thể phát triển cùng thế giới. Phải có chính sách đột phá để thu hút “hiền tài” tới Việt Nam sống và làm việc, cống hiến cho Việt Nam. Không chỉ người gốc Việt Nam, mà cả người nước ngoài, miễn là giỏi và yêu mến Việt Nam, có thể tới Việt Nam sống và làm việc cho Việt Nam, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển của Việt Nam.

Để làm được điều này, phải có chính sách thực sự thông thoáng và hiệu quả để thu hút “hiền tài” từ khắp nơi trên thế giới tới Việt Nam sống và làm việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải cầu thị, quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm GDĐH và KHCN hiện nay. Cán bộ của chúng ta trong mọi việc phải làm việc với tinh thần “đi trước, về sau”. Cái gì khó phải nhận lấy trước hết về mình. Thành quả, công trạng thì để sau mới đến mình.

Phải mong muốn, quyết tâm để có thể đi cùng với thế giới. Không để ai phải bỏ lại phía sau, trước hết là bản thân mình đã, mới mong tiến bộ. Phải khiêm tốn, cầu thị, cầu thị hơn nữa, cầu thị mãi, mới mong thu hút và đào tạo được “hiền tài”. Từ đó, đưa đất nước phát triển bền vững, tiến lên bằng tri thức, bằng KHCN, đi lên bằng đôi chân của mình, mới có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Chân thành chúc các thầy cô, các nhà giáo, trí thức của nước nhà và toàn thể các em học sinh, sinh viên yêu quý, dồi dào sức khỏe, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ

Đọc thêm

Giải lan toả kết quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại buổi lễ.
(PLVN) - Thiết thực hướng đến Kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), phát huy vai trò của báo chí, nâng cao chất lượng công tác thông tin truyền thông, góp phần tích cực xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển, sáng 22/11, Bộ Tư pháp phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất (gọi chung là Giải báo chí).

Bộ Pháp điển Việt Nam: Giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
(PLVN) - Bộ Pháp điển Việt Nam là một công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới. Việc Công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật…

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ tư pháp Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Tọa đàm.
(PLVN) - Ngày 20/11/2024, tại tỉnh Sóc Trăng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến thí điểm xây dựng mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” với sự chủ trì của đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng.

Xác định đúng và trúng giải pháp để đưa công tác xây dựng pháp luật lên tầm cao mới

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc phiên họp.
(PLVN) - Ngày 21/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng khoa học Bộ với chủ đề “Nhận diện những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp trên cơ sở các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian gần đây và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp”. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự.

Thư ký thi hành án Trần Văn Toán và những kỷ niệm “cưỡng chế” nhớ đời!

Anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
(PLVN) -“Phải nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay hoạt động Thi hành án dân sự (THADS) vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho đội ngũ Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án” là chia sẻ của anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

TS Lê Việt Nga: Người góp sức mở những “cung đường” cho hàng Việt vươn xa

TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
(PLVN) -  Chỉ từ một lời “rủ rê” mà TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có 13 năm gắn bó với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ cuộc vận động này, cùng với nỗ lực, nhiệt huyết và tình yêu với hàng Việt của TS. Lê Việt Nga mà hàng Việt đã có một “cuộc trường chinh vạn dặm” vượt ra khỏi biên giới quốc gia, xuất hiện trên kệ những hệ thống siêu thị lớn nhất trên thế giới…

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận phiên họp.
(PLVN) -Ngày 20/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bộ Tư pháp quán triệt và triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp quán triệt và triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp
(PLVN) - Ngày 20/11, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo, ngày 30/10/2024. Ảnh: TTXVN
(PLVN) -Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Cô giáo Lê Thị Lan Phương: “Người lái đò” thắp sáng tri thức pháp luật cho học sinh nơi dải đất biên cương

Cô giáo Lê Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng
(PLVN) -Sau bao năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô giáo Lê Thị Lan Phương đã để lại nhiều dấu ấn cho các thế hệ học trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. Cô vinh dự được nhận nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (6 lần); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng.

Góp ý tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý

Góp ý tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý
(PLVN) - Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản (JSDF), với tư cách là cơ quan chủ quản, ngày 19/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý – Phần về điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế.