Tăng quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông nhỏ
Tại Hội thảo "Góp ý dự luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) diễn ra mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho biết việc sửa đổi Luật DN lần này không chỉ giải quyết bất cập mà còn nâng cao chất lượng quản trị công ty (QTCT) đạt chuẩn mực của OECD, nâng cao thứ hạng về QTCT của Việt Nam.
Ông Hiếu cho biết, xếp hạng QTCT Việt Nam đă nâng hạng từ thứ 160 khi có Luật DN 2005 lên thứ 83 sau khi có Luật DN 2014 và hiện là thứ 89. Lý giải về sự xuống hạng đó, ông Hiếu cho rằng nguyên do là các nước đã có sự cải cách mạnh mẽ trong khi Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. “Muốn nâng cao QTCT phải tăng bảo vệ cổ đông, muốn vậy phải trao cho họ quyền, trước hết là quyền tiếp cận thông tin”- ông Hiếu lý giải.
Phó Viện trưởng CIEM cho hay, theo Luật DN hiện hành chỉ có một nhóm cổ đông sở hữu cổ phần trên 10% trở lên trong 6 tháng mới có quyền tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của DN. “Do vậy Dự thảo lần này chúng tôi đề xuất cổ đông sở hữu 1% cổ phần và bỏ quy định về thời gian nắm giữ cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu của DN. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra ý kiến này thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay…” - ông Hiếu cho hay và cho biết nguyên nhân là do “người ta lo sợ cổ đông vào quấy phá DN”.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM quả quyết: “Nếu muốn tăng cường khả năng QTCT, dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể giữ tư duy thế này được!” đồng thời dẫn chứng ở Nhật Bản chỉ cần 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin DN, ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, QTCT ở các nước đề rất cao quyền cổ đông. Xu hướng các nước là làm sao để người dân bỏ vốn vào, dù là ít vốn nhưng được bảo đảm quyền lợi. “Tôi ủng hộ giảm, tuy nhiên tỷ lệ là bao nhiêu, 1%, 2% hay 3% thì còn phải xem xét kỹ song tôi tin rằng tỷ lệ 1% là hợp lý, do 1% là một tỷ lệ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư nên bản thân họ phải hành động dựa trên lợi ích của 1% đó".
Doanh nghiệp lo bị cổ đông phá
Về phía DN, không phải không có lý do khi muốn giữ nguyên quy định như Luật DN hiện hành. Ông Phan Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương dẫn Luật DN 2014 quy định cổ đông sở hữu 10% cổ phần có quyền yêu cầu xem xét, trích lục hồ sơ, báo cáo tài chính, hợp đồng, giao dịch công ty; Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty.
Theo ông, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới. Tuy nhiên, quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% xuống còn 1% không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho DN.
“Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn...”- Đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương bày tỏ quan điểm và đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như Luật DN hiện hành.
CEO Intracom, ông Nguyễn Thanh Việt cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh. Theo ông, đối thủ hoàn toàn có thể mua 1% cổ phần để làm khó dễ cho DN. "Cổ đông muốn có quyền lợi cao thì cần chuyên nghiệp. Tôi đồng ý là giảm nhưng nếu giảm mạnh về 1% thì cần suy nghĩ kỹ..."- ông Việt đề nghị.
Cùng với Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật DN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội trong tháng 11 này.