Chỉ là sự “trùng hợp”?
Những ngày qua xôn xao vụ việc nhạc sĩ Dương Khắc Linh bất ngờ vướng nghi vấn đạo nhạc. Ca khúc “Đừng như thói quen” do anh sáng tác, được trình bày bởi JayKii và Ngọc Duyên Sara trong chương trình “Giai điệu chung đôi” được ca sĩ Trịnh Thăng Bình nhận xét “làm anh bỗng nhớ tới bài hát của mình, hình như 8 năm trước”. Ngay lập tức, nhạc sĩ Dương Khắc Linh giải thích: “Những ca khúc ballad có vòng hoà âm như vậy rất dễ giống nhau ở giai điệu. Quan trọng là lời khác, cách hát khác, người khác hát là đã thành một bài mới”. Phát ngôn này của nhạc sĩ đã nhanh chóng bị cộng đồng người hâm mộ phản đối và gây nhiều tranh cãi trái chiều.
Dương Khắc Linh nhiều lần lên tiếng, nói rằng “sự giống nhau giữa các ca khúc này là sự trùng hợp ngẫu nhiên”; anh khẳng định “tôi không đạo nhạc, Jaykii cũng không và bản thân Trịnh Thăng Bình cũng đồng ý điều đó”. Tuy vậy, đó mới chỉ là ý kiến một chiều từ nhạc sĩ. Trước cơn bão dư luận, Jaykii và Ngọc Duyên Sara vẫn giữ im lặng, còn ca sĩ Trịnh Thăng Bình trả lời anh “sẽ không thay đổi phát ngôn về cảm nhận của mình”, còn việc đạo hay không thì khán giả sẽ là “trọng tài” quyết định.
Trong làng âm nhạc Việt, việc dính dáng tới nghi vấn đạo nhái nhạc, ý tưởng MV luôn luôn nhức nhối. Ca khúc “Đừng buông tay” đánh dấu sự trở lại của ca sĩ Lưu Hương Giang bị cho là trùng ý tưởng với MV “Hymn for the weekend” Cold Play. Bài hát “Đâu chỉ riêng em” của Mỹ Tâm cũng được lên án là có nhiều điểm giống bài hát nhạc Hoa “Tình lay động nhói đau” của nhạc sĩ, ca sĩ Hải Sinh. Có một thời, các ca khúc nào của Sơn Tùng M-TP cũng bị cho là trùng giai điệu với một bài hát khác: ca khúc “Cơn mưa ngang qua” có beat giống hệt một bài hát của nhóm nhạc xứ Hàn – Namolla Family, “Em của ngày hôm qua” lấy beat của “Every night”. Ngoài ra, nhiều ca sĩ khác như Bảo Thy, Đông Nhi, Tóc Tiên… đều từng bị dư luận chỉ trích gay gắt vì bắt chước phong cách hoặc đạo nhạc.
Đạo nhạc có nghĩa là ăn cắp giai điệu ca khúc và tự nhận đó là sáng tạo của bản mình. Tuy thật hay giả, là vô tình hay tình cờ, trước những tình huống như vậy, người nghệ sĩ càng cần có sự ứng xử khéo léo. Trên thế giới, câu chuyện “đạo nhạc” cũng không hề xa lạ bởi chính công chúng cũng rất khắt khe với nạn đạo, nhái sản phẩm trí tuệ của người khác. Nhiều nghệ sĩ quốc tế như: Meghan Trainor, Pharrell Williams, Ed Sheeran, Taylor Swift, Gwen Stefani, Madonna, Eric Clapton… đều bị tố cáo “đạo nhạc”.
Nhưng thay vì “cãi nhau” trên dư luận, những người liên quan sẽ gặp mặt trực tiếp để giải thích và thương thuyết với nhau. Nếu không thể tìm được điểm chung, hai bên sẽ đưa ra tòa phân giải. Có những lúc số tiền bồi thường người nghệ sĩ phải bỏ ra không hề nhỏ để giải quyết. Điều đó cho thấy, những nghệ sĩ này đều rất tuân thủ luật pháp và tôn trọng bản quyền của nguyên tác. Mặc dù sự trùng lặp có thể vô tình hay ngẫu nhiên, họ luôn hướng tới một cách giải quyết để trả lời cho dư luận, họ có thể nhận lỗi nếu đó là sơ suất hay sự thiếu hiểu biết của mình trước người hâm mộ.
Ở Việt Nam, mỗi khi các nghệ sĩ bị dính đến nghi ngờ “đạo nhạc”, họ thường giữ im lặng, hoặc lấy lý do “trùng hợp”, chứ ít người thừa nhận mình được ảnh hưởng hay học hỏi từ người nghệ sĩ này, mượn ý tưởng của người kia. Chỉ có một số trường hợp như ca sĩ Mỹ Tâm, khi bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo ca khúc “Anh thì không” vi phạm bản quyền, cô đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi tác giả và gỡ bài hát xuống. MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của nữ ca sĩ Bảo Anh suýt bị xóa khỏi YouTube vì sử dụng đoạn nhạc từ hai bản hòa âm của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent mà không xin phép. Ngay lập tức, cô đã liên lạc với tác giả để nhận lỗi và sẵn sàng nộp phí bản quyền cho đoạn nhạc đó.
Khi sản phẩm trí tuệ bị xâm phạm…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Một bài hát được sáng tác ra là một tác phẩm âm nhạc được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Tác giả của ca khúc này có quyền đặt tên cho bài hát, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Nếu ai đó lấy lại nhạc của bài hát của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không được sự cho phép của tác giả, hành vi đó được xem là sao chép, vi phạm khoản 6 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009. Tác giả có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho tác giả, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tuy vậy, vẫn chưa có một văn bản pháp lý chính thức quy định và giải thích thế nào là đạo nhái nhạc. Vì thế, những tố cáo, nghi vấn như câu chuyện của ca sĩ Trịnh Thăng Bình - nhạc sĩ Dương Khắc Linh phải nhờ đến khán giả làm “trọng tài phán xử”. Nhưng khi sao Việt vướng phải nghi án đạo nhạc nước ngoài, thường câu chuyện sẽ căng hơn nhiều. Người nghệ sĩ vừa bị mất đi hình ảnh vừa có nguy cơ phải hầu tòa vì kiện tụng. Từ đó nhìn lại, có thể thấy môi trường giải trí Việt vẫn chưa thực sự khách quan và kiên quyết với vấn đề đạo nhái sản phẩm âm nhạc, nên hiện tượng này mới tràn lan như vậy.
Cốt lõi của nghệ thuật là sự sáng tạo, khán giả Việt ngày càng khắt khe với nghệ sĩ hơn về vấn đề này. Nhưng nhiều nghệ sĩ đã thực sự nghiêm túc trong việc sáng tác sản phẩm âm nhạc của mình hay chưa? Họ đã thực sự nghĩ tới hình ảnh và trách nhiệm của mình đối với người hâm mộ và những nghệ sĩ khác khi xử lý những xì-căng-đan liên quan đến đạo, nhái?.