Lận đận hậu trường ca khúc Lambada

Nhóm nhạc Kaoma
Nhóm nhạc Kaoma
(PLO) - Lambada là một ca khúc có số phận khá lạ lùng. Khởi đầu từ Bolivia, vòng vèo qua nhiều quốc gia rồi bất chợt nổi tiếng ở Brazil với một nhóm nhạc của… Pháp. 

Sau nhiều năm kiện tụng chuyện bản quyền, một trong hai người sáng tác bài hát “gốc” bỗng đột ngột qua đời khi còn chưa cầm được trong tay tiền bản quyền của Lambada. Nữ ca sĩ có công đưa bài hát nổi như cồn trên toàn thế giới, mới đây cũng qua đời tức tưởi.

Nhạc sĩ đột tử, ca sĩ bị giết

Ngày 19/1/2017, tại Brazil, người ta đã phát hiện thi thể ca sĩ Loalwa Braz (63 tuổi) trong một chiếc xe hơi bị cháy rụi ở vùng Saquarema, cách Rio de Janeiro khoảng 100km. Theo cảnh sát địa phương, Loalwa Braz tử vong sau khi bị ăn cướp hành hung. Trong số ba kẻ tình nghi bị bắt giữ sau đó, một nam thanh niên 23 tuổi thú nhận đã thủ tiêu nữ ca sĩ, còn hai đồng phạm thì có mang trên người thẻ ATM và điện thoại của Loalwa Braz.

Sinh thời, tên tuổi của Loalwa Braz được gắn liền với bản nhạc nổi tiếng toàn cầu Lambada. Nhưng đằng sau ca khúc cực kỳ ăn khách này, còn có câu chuyện số phận bài hát lận đận, và một trong những vụ đạo nhạc lớn nhất trong làng giải trí. 

Nhạc phẩm Lambada được phát hành vào mùa hè năm 1989. Chỉ trong vòng sáu tháng bài hát đạt tới mức năm triệu bản bán trên thế giới, trong đó có gần hai triệu đĩa đơn chỉ riêng trên thị trường Pháp.

Nữ ca sĩ Loalwa Braz
Nữ ca sĩ Loalwa Braz

Trên phong bìa đĩa hát, có ghi tên tác giả là Chico de Oliveira. Có điều đằng sau cái biệt danh này là nhà làm phim Olivier Lorsac. Ông khám phá điệu vũ cũng như ca khúc Lambada tại một khu vực miền bắc Brazil khi đi với một người bạn đồng nghiệp để tìm kiếm, chuẩn bị cảnh quay cho một bộ phim tài liệu.

Về tới Paris, ca khúc này được ghi âm lại với phần phối khí bằng tiếng phong cầm du dương, lãng mạn, tình tứ. Bản quyền bài hát được đăng ký tại hiệp hội các tác giả ở Pháp. Cả hai thuyết phục được một nhà sản xuất bỏ tiền tài trợ dự án. Bài hát được lăng xê với một đợt quảng cáo rầm rộ chưa từng thấy ……

Nhạc phẩm Lambada là một cú tiếp thị vô cùng ngoạn mục: Nó vừa là nhạc hiệu quảng cáo cho một hãng nước ngọt có tên Orangina, vừa là một sản phẩm được hãng đĩa CBS giới thiệu như là “vũ điệu mùa hè”. Ca khúc này phát đi phát lại hàng trăm lần trên đài truyền hình, vì một kênh truyền hình Pháp tham gia với tư cách là nhà đồng sản xuất.

Vấn đề ở đây là nguyên tác của Lambada không phải là dân ca Brazil. Bản nhạc chính gốc do hai anh em tác giả Ulysse và Gonzalo Hermosa sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha với tựa đề “Llorando se fue”, trong đó có hai câu mở đầu gợi hứng từ một khúc dân ca truyền thống của Bolivia. Hai anh em tác giả Hermosa từng sáng lập nhóm đồng ca Los Kjarkas, họ thường đi biểu diễn để tài trợ cho hai trường âm nhạc mà họ đã mở tại thủ đô Lima của Bolivia và Ecuador.

Bản nhạc “Llorando se fue” do hai anh em này ghi âm lần đầu tiên vào năm 1981. Ca khúc này ăn khách tại Brazil khi được chuyển ngữ sang tiếng Bồ Đào Nha thành “Chorando se foi” qua tiếng hát của ca sĩ có tên Márcia Ferreira. 

Còn tại Pháp, bài hát Lambada được phóng tác từ “Llorando se fue” do Loalwa Braz ghi âm với ban nhạc Kaoma. Nhóm này gồm 14 thành viên, có tới sáu quốc tịch khác nhau, chỉ có Loalwa Braz là ca sĩ người Brazil duy nhất trong ban nhạc Kaoma.  

Sự thành công chớp nhoáng bất ngờ của Lambada làm nảy sinh tranh chấp giữa hai hãng đĩa EMI và CBS.Nếu không có sự hậu thuẫn của một hãng đĩa lớn (EMI) về mặt tài chính, hai anh em Ulysse và Gonzalo Hermosa khó mà trang trải các chi phí kiện tụng. Về phía EMI, đây là dịp để buộc CBS phải chia chác lợi nhuận. Thủ tục tranh chấp kiện tụng kéo dài trong hai năm và trở thành một trong những trường hợp tiêu biểu của vấn đề đạo nhạc và vi phạm tác quyền. 

Hai anh em Hermosa trong nhóm đồng ca Los Kjarkas mới thực sự là “cha đẻ” giai điệu bài hát
Hai anh em Hermosa trong nhóm đồng ca Los Kjarkas mới thực sự là “cha đẻ” giai điệu bài hát

Toà án cuối cùng công nhận hai anh em Ulysse và Gonzalo Hermosa là tác giả, lời bài hát Bồ Đào Nha chỉ là lời đặt thêm cho Lambada. Ngoài việc được bồi thường sáu triệu quan Pháp vào năm 1991 (tương đương với khoảng một triệu euro). Nhưng đáng tiếc thay, Ulysse sau đó bỗng đột ngột qua đời vào năm 1992 khi còn chưa cầm được trong tay tiền bản quyền của ca khúc.

Kỷ lục không thể lặp lại

Bài hát vẫn chưa hết sức “nóng”, khi nghệ sĩ Don Omar đến từ Puerto Rico chuyển thể bài này vào năm 2010 sang điệu reggaetón. Một năm sau, đến phiên thần tượng nhạc pop La Tinh Jennifer Lopez từng sử dụng một phần của giai điệu này trong ca khúc On the Floor (2011).

Theo phán quyết của tòa năm 1991, hai tác giả còn nhận thêm tiền bản quyền từ 1991 trở đi. Tuy nhiên bản nhạc vẫn bị "vay mượn" nhiều lần, đôi khi trái phép. Tác giả từng lên tiếng về vấn đề đạo nhạc và phàn nàn trước việc họ không được hiệp hội các tác giả Bolivia ủng hộ và bảo vệ quyền lợi.

Trong suốt những năm 1990, bản nhạc Lambada đã đi vòng quanh trái đất và cho ra đời nhiều vũ điệu khác (chẳng hạn như điệu Soca hay là Macarena) khai thác cùng một bí quyết thành công. Ban nhạc Kaoma sau khi trình làng ba album, đã tự rã đám vào năm 1998. Nữ ca sĩ Loalwa Braz tách ra riêng đi hát solo.

Nhưng dù có hát một mình hay hát chung với nhóm Kaoma, Loalwa Braz không bao giờ lặp lại được thành tích của Lambada, mà tính tới nay đã bán hơn 10 triệu đĩa đơn, sau nhiều lần tái bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, được “xào đi nấu lại” nhiều lần theo hàng loạt cách hòa âm khác nhau, khi thì riêng lẻ, lúc thì hỗn hợp pha trộn theo kiểu mashup… 

Bìa đĩa nhạc được phát hành vào mùa hè năm 1989
Bìa đĩa nhạc được phát hành vào mùa hè năm 1989

Lambada từng đứng hạng nhất trên bảng tổng sắp của năm ở 11 quốc gia. Thêm vào đó, video clip của ca khúc này cũng gây bùng nổ khi xuất hiện hai “đứa trẻ” (10 và 12 tuổi) ôm nhau nhảy Lambada trong sự cấm đoán của ông bố khó tính.

Nhưng bất luận cấm đoán thế nào, hai đứa trẻ vẫn tìm đủ mọi cách để được cùng nhau mùi mẫn trong điệu nhảy Lambada. Thế giới lúc ấy như thể chia thành hai nửa: Một nửa phát cuồng Lambada, nửa còn lại cho rằng Lambada là điệu nhảy gợi dục và cần phải cấm phổ biến. 

Trong tiếng Việt bản nhạc Lambada từng ăn khách qua các tiếng hát của Ngọc Lan hay Kiều Nga dưới tựa đề “Vũ điệu tình nồng”. Ngay cả ở Việt Nam, mùa hè 1990 khi cả thế giới bóng đá cuồng nhiệt với bài “Mùa hè nước Ý”, nhưng mỗi khi truyền hình trực tiếp bóng đá, ở phần nghỉ giữa trận, người hâm mộ vẫn thường được xem clip Lambada hừng hực lửa nóng.

Các lớp dạy nhảy Lambada mở như nấm gặp mưa, các ca sĩ học tủ Lambada đi diễn, quảng cáo nào cũng mở Lambada, trên truyền hình lúc nào cũng thấy những cặp vũ sư ôm nhau nhảy đầy đam mê trong tiếng nhạc dạo mở đầu Lambada.  

Về phần hai vũ công nhí trong clip Lambada là chàng da mun Chico và cô nàng tóc vàng Roberta từng tạo nên một cơn sốt cho những người hâm mộ bằng những động tác nhảy uyển chuyển, nhịp nhàng khéo léo và rất “tình”.

Sự thành công đó khiến cả hai ngay lập tức phát hành một đĩa nhạc vào năm 1991 có tên gọi “Mặt đối mặt”. Album này nhanh chóng đạt đĩa vàng và các đĩa đơn của nó đứng vững suốt nhiều tuần liền ở Pháp. Tương lai mở ra cho cả hai và rồi cả hai bỗng… mất tích. Sau này Chico là mục sư nhà thờ, còn Roberta thì làm… bác sĩ thú y.

Ở bản nguyên thủy, ca khúc được dạo đầu bằng sáo và nhịp chơi khá chậm. Sau đó, trong vòng tám năm ca khúc này được 16 ca sĩ/nhóm nhạc chơi lại, đa phần đều “cơi nới” cho vừa với không gian nhạc Dance. Nhưng tất cả đều không thành công. Cho đến năm 1989, khi nhóm nhạc Pháp Kaoma với bản phối rực lửa, kèm theo điệu nhảy khêu gợi, Lambada mới được cả thế giới gần như “phát cuồng”.  Nhiều ý kiến đánh giá Lambada là một ca khúc có đời sống rất dài và nó được yêu mến hơn rất nhiều so với bản gốc. 

Tin cùng chuyên mục

Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng (áo trắng ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tập luyện cho tiết mục sắp tới vào năm 2025. (Ảnh: Thiện Thư)

Đời xiếc - Mồ hôi rơi sau ánh hào quang

(PLVN) - Xiếc là nghệ thuật của những phút giây rực rỡ trên sân khấu, nơi các nghệ sĩ khiến khán giả say mê bởi những màn trình diễn mãn nhãn. Nhưng ẩn sau ánh hào quang ấy là cả một hành trình khổ luyện đầy hy sinh, với những chấn thương, áp lực nghề nghiệp và mức thù lao chưa tương xứng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, họ vẫn bền bỉ cống hiến, giữ ngọn lửa đam mê sáng mãi với sân khấu.

Đọc thêm

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời” (ảnh BTC).
(PLVN) - Trong suốt thời gian phát động sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm âm nhạc được sáng tác giàu cảm xúc và mang giá trị tinh thần sâu sắc. Điều này không chỉ thể hiện tài năng, tâm huyết của các tác giả mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật pháp trong đời sống văn hóa và nghệ thuật.

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.