Gia đình cho biết, trẻ bệnh 2 ngày sốt cao, than đau nhức khắp người, đau bụng, nổi tử ban từ vùng mặt lan xuống khắp người. Bệnh nhi được nhập bệnh viện địa phương với chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết, điều trị kháng sinh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết tối cấp do não mô cầu và được điều trị theo phác đồ. Sau gần 2 tuần điều trị, trẻ cải thiện sức khỏe dần, tỉnh táo, cai được máy thở, hết sốt.
Trường hợp này đã được bệnh viện thông báo đến Sở y tế TP HCM, Viện Pasteur, cơ quan y tế tỉnh, địa phương nơi trẻ sinh sống để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.
Nhiễm khuẩn do não mô cầu là bệnh gì?
Theo bác sĩ Hồ Anh Tuấn - Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm khuẩn do não mô cầu là nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu gây ra, tỉ lệ tử vong và di chứng lên tới 30% ở các thể bệnh nặng. Bệnh có thể gây ra 2 bệnh nặng là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn tối cấp. Nhiễm khuẩn tối cấp đe dọa gây tử vong trong vòng 24-36 giờ.
Não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt chất tiết hô hấp từ người bệnh bắn ra xung quanh có thể lây cho người tiếp xúc trong phạm vi 1m hoặc tiếp xúc kéo dài trên 8 giờ. Mọi đối tượng chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh, hay gặp hơn là trẻ dưới 1 tuổi và nhóm trẻ thanh thiếu niên. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở các ca bệnh lẻ tẻ rải rác vì đã được cách li và dự phòng bằng kháng sinh. Mùa đông xuân hay gặp hơn các mùa khác.
Triệu chứng thường gặp nhất là sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, phát ban xuất huyết hoại tử rải rác trên da và lan rộng toàn thân, có thể có dạng phỏng nước. Nếu thể tối cấp bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng truỵ mạch, suy tuần hoàn, rối loạn đông máu và tử vong. Nếu bị viêm màng não có thể kèm triệu chứng co giật, lơ mơ, li bì hôn mê. Ngoài ra có thể gặp triệu chứng ở màng tim, khớp, niệu đạo hoặc viêm phổi tuỳ theo bệnh cảnh cụ thể của não mô cầu.
Khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh
Qua trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu như sau: Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đồng thời làm sạch sẽ, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Cách ly và áp dụng phòng ngừa chủ động bằng tiêm vắc xin: Đa số vắc xin hiện nay dùng dự phòng cho các chủng A, C, Y và W135. Ở nước ta các vụ dịch do chủng A và C gây ra là chủ yếu nên các vắc xin còn phù hợp. Tuy vậy, với mỗi vụ dịch phải xác định chủng não mô cầu nào gây bệnh để từ đó chọn vắc xin cho phù hợp. Ngoài ra viêm màng não còn có thể do nhiều vi khuẩn khác gây ra nên vắc xin phòng não mô cầu sẽ không dự phòng được cho các loại viêm màng não khác.
Lưu ý chỉ nên tiêm chủng ở các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh (tiếp xúc với bệnh nhân, miễn dịch giảm sút, đi vào vùng có dịch…). Vắc xin có hiệu lực sau tiêm 10 ngày và kéo dài 3 năm. Sau 3 năm nên tiêm nhắc lại nếu như vẫn còn yếu tố nguy cơ tiếp xúc bệnh. Vắc xin có hiệu quả kém với trẻ dưới 2 tuổi và không cần thiết tiêm chủng đại trà cho tất cả trẻ em trong các vùng xuất hiện ca bệnh lẻ tẻ. Ngoài ra, phải dùng kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc kéo dài với bệnh nhân não mô cầu
Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.