Sở Y tế TP HCM chấn chỉnh việc tăng giá khám sức khỏe hậu COVID-19

Nhiều người dân tại TP HCM được khám miễn phí hậu COVID-19.
Nhiều người dân tại TP HCM được khám miễn phí hậu COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình trạng nhiều nơi lập đơn vị điều trị di chứng hậu COVID-19 với nhiều mức giá khác nhau, tăng giá dịch vụ, Sở Y tế TP HCM yêu cầu không điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh, kể cả dịch vụ theo yêu cầu.

Chấn chỉnh các đơn vị điều trị di chứng hậu COVID-19

Đây là nhấn mạnh của Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng trong văn bản khẩn gửi giám đốc các đơn vị trực thuộc về việc chấn chỉnh tổ chức khám sức khỏe hậu COVID-19.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết. Bệnh viện không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh bằng việc gợi ý, ép buộc tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám theo yêu cầu.

Trong trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, thu theo giá Thông tư số 13/2019 của Bộ Y tế. Trong trường hợp người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, thu theo giá Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được cơ sở y tế thu theo giá đã kê khai với Sở Y tế TP HCM và công khai giá để lựa chọn.

Trước đó, Sở Y tế TP HCM xác định sức khỏe cộng đồng hậu COVID đang là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế thành phố năm 2022. Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19 được thành phố triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm, mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

Mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 của thành phố sẽ thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tầng một là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng hai là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng ba là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch). Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.

Hơn 13.000 người dân được tiêm xuyên Tết

Liên quan đến công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân, trong 9 ngày, TP HCM đã tổ chức 36 điểm tiêm cố định, vaccine xuyên Tết cho hơn 13.000 người dân đang sinh sống trên địa bàn.

Cụ thể, từ ngày 29/1 đến ngày 6/2, có 13.056 người dân TP đã được tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, có 10.679 người tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, 1.823 người tiêm mũi 2, 554 người tiêm mũi 1.

Đặc biệt, các quận, huyện đã vận động, thuyết phục được 97 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi) tiêm vaccine trong đợt này. Đáng chú ý, người dân không phải đăng ký, xếp hàng để khám sàng lọc hay chờ đến lượt tiêm vaccine tại 36 điểm tiêm cố định xuyên Tết. Đợt này, người dân tiêm vaccine ở các điểm tiêm, không phân biệt hộ khẩu, không cần đăng ký trước. Các địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, thuyết phục tiêm ngừa.

Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 tại TP HCM gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ ngày 29/1 đến ngày 6/2. Giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục từ ngày 7/2 đến ngày 28/2. Ở giai đoạn 2, TP HCM sẽ mở lại hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tất cả điểm tiêm chủng bao gồm cả điểm cố định, cộng đồng và lưu động trên địa bàn.

Sở Y tế cho biết, các bệnh viện và cơ sở y tế đã đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh, điều trị và cấp cứu cho người dân trong dịp Tết. Đồng thời, nghiêm túc bố trí nhân sự trực tại điểm tiêm cố định để tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết. Nhờ đó, đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa cho người dân và đảm bảo khoảng cách các mũi vaccine COVID-19 không bị gián đoạn.

Theo số liệu được Bộ Y tế công bố tối 9/2, các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP HCM ghi nhận có 3 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các trường hợp trên đều là những bệnh nhân nặng, nguy kịch được chuyển đến từ Long An (2 ca) và Bình Phước (1 ca). Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, địa bàn TP HCM không có ca tử vong vì COVID-19.

Tuy nhiên, số ca mới mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng nhanh sau thời gian giảm sâu trong kỳ nghỉ Tết. Ngày 8/2 thành phố ghi nhận 116 ca mắc mới thì sang ngày 9/2 số ca bệnh đã tăng lên 219 trường hợp.

Dự báo, những tuần tới dịch Covid-19 tại TP HCM sẽ tiếp tục gia tăng khi người dân từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc sau kỳ nghỉ dài. Sự giao lưu, tiếp xúc nhiều là một trong những nguy cơ khiến dịch Covid-19 gia tăng mức độ lây nhiễm.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.