Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Trần Văn Năm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An báo cáo các nội dung cơ bản của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; đặc biệt lưu ý những nội dung mới của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP so với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP trước đây.
Ông Trần Văn Năm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An triển khai nội dung về quy định đảm bảo |
Bên cạnh đó, hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, thảo luận, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh như: Việc đăng ký thế chấp giữa cá nhân với cá nhân; quy định pháp luật liên quan về người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm; việc sử dụng các giấy tờ tùy thân,…
Sau gần 5 năm thực hiện, Nghị định số 102 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm đã có nhiều tác động tích cực, hiệu quả đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và công tác đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng. Từ đó, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho sự vận hành của thiết chế đăng ký biện pháp bảo đảm. Tăng khả năng và cơ hội tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp cũng như phát huy vai trò của đăng ký biện pháp bảo đảm là một trong những công cụ pháp lý để đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp phát sinh trong giao dịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Tuy nhiên qua 5 năm thực hiện, đến nay, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa bao quát được hết hiệu quả, hiệu lực của việc: Đăng ký, từ chối đăng ký, thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; ngôn ngữ sử dụng, chữ ký, con dấu trong đăng ký; trả kết quả đăng ký; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; việc tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy đăng ký do có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trong đó có quyết định về việc đăng ký phải bị hủy; cơ chế chỉnh lý thông tin có sai sót,…
Để khắc phục những tình trạng trên, thời gian qua, thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm, hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm phải được đổi mới, hoàn thiện hơn. Đưa các thể chế thực sự là công cụ pháp lý, bảo chứng cho sự an toàn, minh bạch về tài sản, giao dịch. Người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn với chi phí thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ thể tài trợ vốn an tâm hơn khi cung ứng vốn cho thị trường một cách an toàn, ổn định,…
Riêng địa bàn tỉnh Long An, năm 2022 Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận trên 139.400 đơn đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Kết quả, đã giải quyết 100% số đơn yêu cầu, qua đó góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Long An. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm về thực tiễn thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Bà Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan như: Các sở, ngành tỉnh; Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục triển khai, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Long An trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đưa hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân.