Đúng như dự kiến, ngày 8 và 9/8, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xét xử sơ thẩm 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, do những sai phạm liên quan tới đất đai tại xã Đồng Tâm.
14 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi), Lê Đình Thuần (61 tuổi), Nguyễn Văn Bột (62 tuổi), đều nguyên là Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm; Nguyễn Văn Đức (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm), Nguyễn Tiến Triển (63 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm), Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm), Bùi Văn Dũng (59 tuổi, nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm), Bùi Văn Hồng (59 tuổi, nguyên Xã đội trưởng xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, nguyên Trưởng công an xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Khang (52 tuổi, nguyên Kế toán ngân sách xã Đồng Tâm), Phạm Hữu Sách (52 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Mỹ Đức), Đinh Văn Dũng (58 tuổi, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức), Bạch Văn Đông (43 tuổi, nguyên Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) và (Trần Trung Tấn, 42 tuổi, nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức).
Liên quan đến vụ án, các bị cáo bị đưa ra xét xử về 2 tội danh: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện VKSND huyện Mỹ Đức công bố bản cáo trạng. |
Tại tòa, trong phần thủ tục, luật sư bào chữa cho bị cáo Bạch Văn Đông đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa với lý do một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan mà chưa có lời khai tại cơ quan điều tra cần phải có mặt ở phiên tòa.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX triệu tập Hội đồng định giá để làm rõ các kết luận định giá về thiệt hại trong vụ án.
Sau khi hội ý HĐXX thấy rằng việc vắng mặt của một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến phiên tòa.
Việc định giá được thực hiện đúng quy định của pháp luật, phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày, trong quá trình xét hỏi nếu thấy cần thiết thì sẽ triệu tập thành viên của hội đồng định giá nên HĐXX quyết định tiếp tục xét xử.
Là người được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Nguyễn Văn Đức (nguyên chủ tịch xã Đồng Tâm) cho rằng trong cáo trạng còn một số điểm chưa đúng nên mong HĐXX xem xét lại.
Theo bị cáo này, cáo trạng truy tố việc bản thân bị cáo được biết và đồng ý chủ trương của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về chia đất cho một số cán bộ xã là không đúng.
Tương tự như bị cáo Đức, bị cáo Bùi Văn Dũng (nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm) cho rằng bản thân bị cáo chỉ là cấp dưới, không có quyền quyết định về việc bán đất trái thẩm quyền mà chỉ nghe cấp trên chỉ đạo. Về việc ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ xã ngày 10/12/2002. Đức thừa nhận hành vi này là đúng.
Lý giải về việc này, Dũng cho rằng do không có kiến thức về việc lập hồ sơ đất đai nên tự tìm hiểu và ký vào văn bản. Ngoài hành vi ký vào biên bản bàn giao đất thì không còn sai phạm nào khác.
Đến lượt bị cáo Bùi Văn Hồng (Nguyên xã Đội trưởng xã Đồng Tâm) trả lời HĐXX, Hồng khai sau khi vụ án xảy ra, Hồng đã làm đơn trả lại tài sản cho UBND xã. Thời điểm ký biên bản do nhận thức kém. Việc bị truy tố bây giờ mới biết sai nên “chẳng biết nói thế nào”.
Cựu Bí thư Đảng ủy cho rằng cáo trạng truy tố chưa hợp lý |
Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) thì lại cho rằng nội dung bản cáo trạng chưa hợp lý ở ba điểm.
Thứ nhất, cáo trạng truy tố cho rằng triển đã đồng ý với chủ trương của UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ xã trái quy định với tổng diện tích là 1.208 không thu tiền sử dụng đất.
Thứ hai, cáo trạng truy tố Triển đồng ý chủ trương kế hoạch của UBND xã trong việc tổ chức cho các hộ dân đấu thầu đất theo Quyết định 883 ngày 31/12/2003 của UBND huyện dẫn đến việc 27 hộ trúng thầu thu tiền vụ lợi cho UBND xã là hơn 1,5 tỷ đồng.
Thứ ba, bản thân bị cáo được hưởng hai xuất đất với tổng diện tích 334m2 không phải nộp tiền đất.
Theo bị cáo Triển, việc chia đất có thu tiền vào thời điểm 2007 – 2008 nên cáo trạng nói bị cáo không thu là không đúng. Về việc ký vào biên bản cho chủ trương đấu thầu chỉ là hoàn tất thủ tục cấp đất chứ không có mục đích gì. Bản thân bị cáo không phải cơ quan chuyên môn nên không nắm được. về việc được hưởng hai xuất đất, Triển cho rằng theo quyết định thì đất bán cho cán bộ, bị cáo là cán bộ thì được cấp. Bị cáo không sử dụng thì chuyển nhượng cho người khác. Hiện tại mảnh đất giao cho Triển đã được cấp GCN QSDĐ.
“Thủ tục cấp GCN thì bị cáo không biết, khi có cáo trạng thì mới biết mảnh đất này đã được cấp. Việc làm thủ tục như thế nào, bị cáo không được tham gia nên không biết” – bị cáo Triển trình bày.
Khi HĐXX hỏi về việc phải đứng trước vành móng ngựa hôm nay,bị cáo Triển phân trần do nhận thức, hiểu biết về pháp luật hạn chế. Theo lời Triển, bị cáo khi tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng của chất độc da cam và con cái cũng bị ảnh hưởng. Bản thân đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu. Từ đó bị cáo đề nghị HĐXX xem xét có chính sách khoan hồng cho tất cả các bị cáo.
Lê Đình Thuần - Nguyên Chủ tịch xã Đồng Tâm trả lời HĐXX |
Đến lượt bị cáo Lê Đình Thuần – Nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Thuần cho rằng tại thời điểm ký xét duyệt hồ sơ, tất cả những người được xét tuyển đều có quan hệ thân thiết.
Về việc cấp GCN QSDĐ, Thuần trình bày do không được nắm rõ, việc này do các bộ phận chuyên môn. Không chỉ có vậy, hồ sơ đất đai đã có từ lâu nên bị cáo không thể năm bắt được hết.
Tuy nhiên, sau đó Thuần thừa nhận bản thân ký vào các văn bản là sai và cho rằng mình không cố tình vi phạm pháp luật. từ đó, bị cáo mong HĐXX xử phạt mức nhẹ nhất có thể.