Siêu dự án tại phía Nam
Theo PVN, chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn bao gồm các dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B 48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn thuộc huyện Ô Môn, TP Cần Thơ. Dự án dự kiến sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 102 tỷ m3 khí và 12,65 triệu thùng condensate, trong vòng đời 23 năm. Tổng giá trị đầu tư cho hợp phần thượng nguồn (bao gồm chi phí đầu tư cơ bản, chi phí vận hành và chi phí hủy mỏ) ước tính khoảng 17 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí đến các doanh nghiệp tiêu thụ hạ nguồn, trong đó có bốn nhà máy điện Ô Môn tại Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỷ m3/năm, chia cho 4 nhà máy (Ô Môn 1, 2, 3, 4).
Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư gần 10 năm nay, nhưng do nhiều vướng mắc mà đến nay chưa thể triển khai ngoài hiện trường. Thời gian gần đây, PVN cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực thúc đẩy dự án và đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Dự kiến từ đây đến cuối năm, dự án Lô B - Ô Môn sẽ nhận được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) để bắt đầu triển khai ngoài hiện trường. Do Lô B - Ô Môn là đại dự án kết hợp các mỏ khí thượng nguồn, đường ống vận chuyển trung nguồn và các nhà máy điện hạ nguồn, nên phải có hợp đồng quy định việc mua bán khí, thoả thuận vận chuyển khí, hợp đồng bán khí cũng như hợp đồng bán điện cho lưới điện thì mới có thể triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp hưởng lợi tỷ USD
Đây là siêu dự án của ngành dầu khí, sau khi hoàn thành sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước. Mới đây, giới chuyên gia của Công ty SSI Research đã có những phân tích, nhận định về tác động của dự án Lô B - Ô Môn đến các doanh nghiệp dầu khí.
Theo SSI Research, với siêu dự án này sẽ có một số doanh nghiệp được hưởng lợi, đặc biệt là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB). SSI Research phân tích, đối với PVS, đây sẽ là công ty đầu tiên có khả năng hưởng lợi khi FID của chuỗi dự án Lô B - Ô Môn được phê duyệt.
Trong giai đoạn đầu tư ban đầu (giai đoạn đầu từ năm 2023 đến khi đón dòng khí đầu tiên), tổng vốn đầu tư cho phần thượng nguồn của Lô B ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm và 1 Khu sinh hoạt với tổng trị giá 1 tỷ USD; một số giàn thu gom với tổng trị giá 200 triệu USD; hệ thống đường ống nội bộ trị giá 100 triệu USD và các hệ thống khác.
PVS đã nộp hồ sơ thầu cho giai đoạn 1 và đang chờ kết quả đấu thầu, dự kiến sẽ được công bố trong thời gian ngắn tới. “Với kinh nghiệm chuyên môn từ các dự án lớn ngoài khơi trước đây như Sư Tử Nâu, Sao Vàng Đại Nguyệt, PVS được kỳ vọng sẽ giành được một phần công việc” - SSI Research đánh giá và cho rằng, về dài hạn, PVS có thể hưởng lợi từ các giai đoạn khác của dự án cho đến khi kết thúc vòng đời dự án (2049), do các giai đoạn này vẫn cần đầu tư vào giàn thu gom khí, giàn đầu giếng, hệ thống đường ống nội bộ, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2,7 tỷ USD bao gồm dự phòng tăng giá 2% mỗi năm.
Đối với PVD, trong giai đoạn đầu tiên của dự án Lô B, cần khoan 5 giếng thẩm định và gần 80 giếng khai thác với tổng chi phí khoan ước tính (đã tính đến dự phòng tăng giá 2%/năm) dao động từ 350 triệu USD - 400 triệu USD. Việc khoan có thể bắt đầu từ năm 2025 - 2026, dự kiến cần hai giàn khoan cho giai đoạn này. Nếu PVD có thể giành được 50% khối lượng công việc, công ty có thể đạt 100 triệu USD doanh thu khoan/liên quan đến khoan mỗi năm trong giai đoạn 2025 và 2026.
Đối với GAS, SSI Research cho rằng, trong trường hợp Lô B bắt đầu vận hành vào cuối năm 2026 như dự kiến, các mỏ của Lô B dự kiến sẽ cung cấp lượng khí hàng năm là 5 tỷ m3, tương đương 65% sản lượng khí khô tiêu thụ của GAS cho năm 2022. GAS sẽ là cổ đông lớn sở hữu 51% cổ phần trong dự án đường ống vận chuyển có giá trị đầu tư 1,3 tỷ USD với chiều dài 295km cho phần ngoài khơi và 102km cho phần trên bờ. Dự án đường ống này có thể mang lại tổng doanh thu vận tải hơn 7 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án cho PV GAS…
Với PVB, đơn vị này được kỳ vọng sẽ giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ sơn phủ cho dự án Lô B với đường ống bao gồm 295km cho phần ngoài khơi và 102km cho phần trên bờ thì ước tính tổng doanh thu sơn phủ đạt khoảng 2.000 -2.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025 (với giả định Lô B - Ô Môn sẽ đón dòng khí đầu tiên vào năm 2026).