Chủ tịch SCIC cho biết, SCIC có vốn nhà nước ở 10 doanh nghiệp (DN), giá trị vốn hóa đến nay là khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó Vinamilk chiếm 90%. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, SCIC tiếp tục đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai tích cực nhưng việc rút vốn tại DNNN cũng phải trật tự, vừa hiệu quả cho Nhà nước, vừa ổn định sự phát triển của DN sau khi thoái vốn, vì đó là những DN lớn ảnh hưởng đến sản xuất, xã hội, thị trường chứng khoán.
Sau khi nhận chỉ đạo, SCIC đã tích cực công tác chuẩn bị và đến nay đã thống nhất Vinamilk sẽ tiến hành một đợt thoái vốn với quy mô 9% và đặt mục tiêu kết thúc giao dịch này trong năm 2016. 9 DN còn lại SCIC sẽ xây dựng lộ trình báo cáo, có thể làm ngay một vài DN vào nửa năm đầu của năm 2017, SCIC sẽ đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017.
Về cách thức thoái, Chủ tịch SCIC cho biết sẽ chọn cách hiệu quả nhất và đúng quy định pháp luật. “Chúng tôi đang cân nhắc và sau này sẽ bàn thêm với tư vấn, có thể xem xét theo lô, chào giá cạnh tranh thỏa thuận ngoài sàn để đạt mức giá cao hơn khống chế theo quy định…”- ông Chi nói.
Về tư vấn cho đợt thoái vốn này, Chủ tịch SCIC cho biết: “Chúng tôi đang lựa chọn tư vấn hoặc liên danh tư vấn. Nếu tiến trình định ra thì sẽ lựa chọn trong tháng 9. SSI, Bản Việt hay Credit Site…? Chưa quyết định cuối cùng về số lượng nhưng nhà tư vấn đáp ứng được tốt nhất…”.
Về phương án lựa chọn nhà đầu tư (NĐT), Chủ tịch SCIC khẳng định SCIC không lựa chọn NĐT chiến lược mà thực hiện chào bán công khai với tất cả NĐT trong và ngoài nước.
Về giá bán, Chủ tịch SCIC cho biết, kỳ vọng được giá cao nhất có thể, sẽ đưa giá sàn không thấp hơn giá thị trường thời điểm giao dịch, sẽ tính toán giá cổ phiếu sát nhất với trường hợp Vinamilk và căn cứ vào cả giá trên sàn cộng với với định giá của tư vấn. Dự kiến sẽ có giá sàn vào tháng 11 này.
“Giá trị sổ sách của Vinamilk chưa đến 1 tỷ USD nhưng giá thị trường lên đến 9 tỷ USD. Cho nên 9% là khối lượng đủ lớn để hấp dẫn NĐT. Kỳ vọng NĐT quan tâm sẽ thu được giá hiệu quả…”, Chủ tịch SCIC kỳ vọng.
Chủ tịch SCIC cũng khẳng định Chính phủ cũng sẽ có chính sách giữ gìn thương hiệu Việt Nam khi thoái vốn, trong đó có nghiên cứu về cổ phiếu vàng. “Nếu nó giúp ta quyết định trong một vài vấn đề thương hiệu thì đó cũng là một giải pháp. Nếu được luật hóa cũng sẽ là cách gìn giữ được thương hiệu Việt…”, ông Chi nói.