Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan, cuối tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Nghị quyết số 611 do Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký về việc thành lập Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nghị quyết số 612 về việc thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Hội thảo chủ đề với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo để nghe và cho ý kiến về tình hình, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị cho Hội thảo.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa mà Tổng Bí thư đã chỉ ra là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…
Vì vậy, Hội thảo sắp tới được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo tới đây có ý nghĩa quan trọng trong việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; quán triệt, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vào năm 2023.
Còn ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, công tác chuẩn bị cho Hội thảo được tiến hành rất kỹ lưỡng. Nhấn mạnh rằng Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 đã được đánh giá rất thành công, ông Nguyễn Xuân Thắng tin rằng sự kiện này sẽ thêm một lần nữa khẳng định về cách tiếp cận mới của QH, thông qua hội thảo, diễn đàn để tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị vào những nội dung rất quan trọng của đất nước.
Báo cáo tóm tắt tình hình chuẩn bị Hội thảo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức 2 tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, xin chủ trương lãnh đạo QH và tổ chức làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Cộng sản về chủ đề, các chuyên đề, danh mục đặt bài tham luận của Hội thảo, hình thức tổ chức Hội thảo.
Về chuẩn bị các báo cáo, tham luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã chỉ đạo Tiểu ban Nội dung họp, tổ chức biên tập, thẩm định bài tham luận để xây dựng Bộ tài liệu Hội thảo và bản Tổng hợp kiến nghị, đề xuất; đề xuất các bài tham luận có chất lượng tốt đưa vào trình bày tại Hội thảo.
Theo đề xuất tại phiên họp, thời gian dự kiến tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 là ngày 10/12/2022. Hội thảo dự kiến sẽ tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề. Cụ thể là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng, ban hành thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa; nguồn lực cho phát triển văn hóa (bao gồm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính).