Riêng đối với lực lượng điều tra, trong đó có đội kỹ thuật hình sự, đây là chuyên án “để đời” được lật mở với nhiều tình tiết mà không phải ai cũng biết. Quá trình điều tra vụ thảm án này, đội kỹ thuật hình sự còn được đặc cách vào hẳn ban chuyên án…
Chấn động cả thành phố
Sáng sớm ngày chủ nhật cuối tháng 8/1984, nhiều gia đình ở tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) bị bật dậy bởi tiếng la hét thất thanh phát ra trước số nhà 100. Xen lẫn có tiếng ú ớ không nói nên lời.
Biết có chuyện chẳng lành, người dân khu phố chạy sang bước vào trong nhà, một mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc. Tiếp tục vào phòng ngủ, ai nấy đều choáng váng khi nhìn thấy một xác chết nằm sõng soài.
Lấy lại bình tĩnh, một người trong nhóm nhân chứng thuật lại: trước đó 2 ngày, chị Nguyễn Thị Tuyết (32 tuổi, giáo viên trường tiểu học Phù Đổng, đóng trên địa bàn, con gái chủ nhà số 100 Huỳnh Thúc Kháng) có hẹn mang một số giấy khen đến trường.
Chị Tuyết vốn viết chữ đẹp, thường được ban giám hiệu nhờ viết giấy khen hằng năm. Tuy nhiên, đợi mãi không thấy chị Tuyết, trong khi thời điểm phát thưởng sắp đến nên một số đồng nghiệp chủ động tới nhà tìm gặp. Khi đến nhà chị Tuyết, các cô giáo thấy cửa đóng hờ nên đẩy vào và phát hiện ra sự việc đau lòng trên.
Thượng sĩ Nguyễn Văn Thanh khi đó đang là cảnh sát khu vực của Công an phường Bình Hiên (hiện là Thượng tá, công tác tại Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Đà Nẵng) nhanh chóng có mặt, đồng thời báo cáo lên cấp trên.
Trong lúc chờ lực lượng chức năng xuống phối hợp, thượng sĩ Thanh vừa làm công tác giữ nguyên hiện trường, vừa bước đầu quan sát nhận định. Do phòng ngủ chật hẹp, xác chết nằm cạnh tủ đồ, thượng sĩ Thanh phải vin tay vào đó để có thể quan sát xung quanh.
Bất giác, cánh cửa mở bung ra, thêm một xác chết nữ trong trang phục đồ ngủ ngã vật xuống đất. Tất cả mọi người chứng kiến đều điếng người. Mất một lúc định thần, mọi người mới nhận ra người chết là bà mẹ Dương Thị Thụ (50 tuổi) và chị Tuyết.
Chỉ ít phút sau, Công an TP.Đà Nẵng, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời điểm trên chưa tách tỉnh) có mặt tại ngôi nhà xảy ra án mạng. Khám nghiệm tử thi xác định, cả 2 mẹ còn bà Thụ chết do ngạt thở vì bị bóp cổ từ khoảng 2 ngày trước.
Đại tá Phạm Phúc, giờ là Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP.Đà Nẵng, thời điểm trên làm công an địa phương cho biết, có thể nói, từ sau ngày giải phóng đến năm 1984, đây là vụ án giết 2 mạng người man rợ đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố.
Xác định tính chất nghiêm trọng, Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng xác lập ban chuyên án, đưa lực lượng trinh sát tinh nhuệ, hùng hậu nhất vào cuộc.
Rà soát các thành viên trong gia đình cho thấy, từ ngày thứ 6 cho đến chủ nhật, chỉ có bà Thụ và chị Tuyết ở nhà. Chồng bà Thụ - ông Nguyễn Ngọc Bôi (54 tuổi, chủ ngôi nhà) đi về quê ở Huế nhiều ngày trước đó, còn một người con gái khác đang làm việc nơi xa, người con trai út thì đi học đại học tại TP.Hồ Chí Minh.
Trong quá trình làm việc với người thân nạn nhân, các thành viên trong gia đình còn cho biết thêm về số vàng 28 lượng để trong tủ đồ của gia đình đã “không cánh mà bay”. Xác định đây có thể là án giết người cướp tài sản, ban chuyên án quyết định lần theo hướng điều tra này.
Tội ác man rợ
Đội kỹ thuật hình sự khi vào cuộc khám nghiệm hiện trường, lần tìm, rà soát từng chi tiết nhỏ nhất đã đưa ra nhận định, đối tượng bằng cách nào đó đã đột nhập vào nhà qua phần mái, dỡ tôn lợp phía trên, trèo vào trong. Sau khi giết người cướp tài sản đã tẩu thoát bằng cửa trước.
Qua quá trình sàng lọc nổi lên gia đình ông Nguyễn Công Danh (65 tuổi) ở bên cạnh thuộc diện nghi vấn cao nhất, có thể chủ mưu hoặc ít nhất cũng có liên quan, dựa theo căn cứ mà đội kỹ thuật hình sự khám nghiệm cho biết, phần đổ mái bê-tông chung của 2 ngôi nhà đã bị dỡ trên mái tôn.
Điều đặc biệt, ông Danh có tới 4 bà vợ (đang ở với bà vợ sau cùng tên Lê Thị Lợi (45 tuổi), với hơn 30 người con. Những thành viên trong gia đình này đều nghèo khó, phần lớn không có việc làm ổn định, các anh em dù cùng cha khác mẹ những vẫn thường xuyên tụ tập đàn đúm…
Các điều tra viên một mặt đi thu thập nguồn tin từ quần chúng nhân dân, một mặt cho đặt máy thu tín hiệu sát vát nhà nạn nhân để ghi nhận chứng cứ.
Lúc này, một tình tiết “đắt giá” được người hàng xóm của gia đình nạn nhân cung cấp: tình cờ, có người nghe được vào khuya ngày thứ 6, tiếng bà Thụ có gọi “Nhơn ơi, Nhơn ơi” (người dân miền trung thường gọi chệch tên Nhân thành Nhơn).
Cái tên này lại trùng với nghi ngờ của các điều tra viên khi biết, vợ chồng ông Danh, bà Lợi có các người con chung gồm Nguyễn Văn Hiếu (34 tuổi), Nguyễn Văn Nghĩa (29 tuổi) và đặc biệt là Nguyễn Văn Nhân (32 tuổi).
Lập tức, các thành viên trung gia đình ông Danh được triệu tập để lấy lời khai, tuy nhiên, mỗi người nói một kiểu, bất nhất khi khai báo chứng cứ ngoại phạm. Về phần Nhân, nghi phạm đã kịp thời bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh.
Xác định mấu chốt vụ án nằm ở đây, các trinh sát được cử đi truy tìm hung thủ. Đáng nói, theo Đại tá Phúc, lần đầu tiên, một số chiến sĩ thuộc đội kỹ thuật hình sự được “đặc cách” vào ban chuyên án.
Quá trình điều tra, biết Nhân đang ở nhà một người thân quận Tân Bình, ban chuyên án nhờ công an tại đây phối hợp theo dõi. Bất ngờ, 1 ngày sau đó, Nhân được gia đình người quen đưa ra Công an quận Tân Bình đầu thú.
Di lý về địa phương, Nhân khai, do gia đình mình ở sát vách nhà bà Thụ, cửa sổ 2 nhà thông nhau nên mọi diễn biến của hàng xóm có thể bên này biết “tất tần tật”.
Bà Thụ có chồng làm nghề thừa phát lại (nghề trong Tòa thị chính thành phố thời bấy giờ) nên có “của ăn của để”. Sau nhiều năm dành dụm, bà Thụ có hẳn một hộp vàng. Thỉnh thoảng bà vẫn mở ra xem, đếm kiểm tra, tình cờ Nhân nhìn thấy được.
Bị lóa mắt trước khối tài sản quá lớn, Nhân cho Hiếu, Nghĩa và Nguyễn Văn Hưng (30 tuổi, con cùng cha khác mẹ) biết rồi bàn kế, khi nào có cơ hội sẽ chui qua nhà trộm, cướp số vàng trên. Theo dõi tình hình, biết chỉ còn mỗi bà Thụ ở nhà vào ngày thứ sáu, ba anh em Hiếu lên kế hoạch cướp tài sản.
Sau khi chuẩn bị găng tay, khăn bịt mặt, dây trói.... lợi dụng đêm khuya, Nhân leo lên phía sau mái bê tông chung, dỡ tôn chui vào lấy hộp vàng nhưng không ngờ lại bị bà Thụ phát hiện la “cướp, cướp”.
Lập tức, Nhân lao vào bóp cổ bà Thụ mặc cho người này ra sức van xin. Chị Tuyết ở trên nhà nghe tiếng mẹ kêu la nên đi xuống xem tình hình. Thấy chị Tuyết, Nhân liền hỏi Hiếu (lúc đó đang đứng ở ngoài theo dõi) cách xử lý. Hiếu chỉ đạo: “Xử nó luôn!”.
Dứt câu, Nhân lao vào bóp cổ chị Tuyết cho đến chết. Sau đó, hung thủ cạy cửa tủ đã lấy hộp vàng, đẩy chị Tuyết vào trong, ung dung đi ra phòng khách mở cửa trước về nhà.
Ác giả ác báo
Số vàng sau khi cướp được, mấy anh em chia nhau cất, một số ít bán tiêu xài. Tuy nhiên, sau khi sự việc bại lộ, thấy công an đang điều tra ráo riết, Hưng và Nhân lấy 10 chỉ vàng làm lộ phí bỏ trốn.
Lúc này, Hiếu đã bị công an triệu tập, song song với việc cử lực lượng vào TP.Hồ Chí Minh truy tìm, gia đình hoảng sợ điện báo cho Hưng và Nhân nhằm đối phó. Thế nhưng, Hưng sợ hãi đã quay trở về Đà Nẵng đầu thú. Thấy vậy, Nhân cũng ra đầu thú tại Công an quận Tân Bình. Số vàng bị cướp về sau đã được thu lại để trả cho gia đình nạn nhân.
Với những hành vi hết sức dã man trên, đại gia đình gồm 12 người nhà ông Danh phải ra hầu tòa vào một ngày cuối năm 1984. Qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa tuyên Hiếu án tử hình, Nhân án chung thân, Nghĩa 15 năm tù, Hưng 12 năm tù. Ông Danh, bà Lợi và 6 người con dâu, rể, cháu liên quan với tội “che giấu, không tố giác tội phạm” cũng lãnh những mức án đích đáng.
Điều đáng nói, dù đã hơn 30 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, vụ án vẫn luôn là đề tài “nóng” với người dân, một “chuyên án để đời” với những chiến sĩ công an.
Đại tá Phạm Phúc chia sẻ, như cổ nhân thường nói “ác giả ác báo”, câu chuyện của những kẻ ác thủ trong vụ án về sau lại như một minh chứng. Ngoại trừ Hiếu nhận án tử hình, thi hành vào giữa năm 1985; 3 đối tượng “chính” của vụ án gồm Nhân (án chung nhân nhưng được ân xá, chỉ thi hành 20 năm tù) và Nghĩa sau khi ra tù, có lẽ vì ám ảnh bởi tội lỗi, chỉ một thời gian ngắn cũng đã chết vì bệnh tật.
Riêng Hưng, sau đó đã “dạt” vào TP.Hồ Chí Minh hành nghề trộm cướp rồi bị “xử” bằng nhiều nhát chém, tử vong vào năm 2001.
“Nguyên nhân vụ án bên cạnh lòng tham của con người còn là lời cảnh báo với mọi người dân trong việc đề cao cảnh giác. Chính vì vô tình “nhìn lỏm” được nhà bà Thụ có vàng nên mấy anh em Nhân mới nổi lòng tham rồi gây ra tội ác. Có câu “ác giả ác báo” tuy chỉ 1 người phải ra pháp trường còn 3 người nhận án tù nhưng sau này cũng đoản mệnh. Âu đó cũng lẽ nhân quả ở đời”, vị đại tá tham gia phá án tâm sự.