Sắp xử phúc thẩm kỳ án ăn trộm điện: Thiệt hại hơn 1 tỷ đồng hay gần 60 triệu đồng?

Kiểm tra công tơ điện. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Kiểm tra công tơ điện. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
(PLO) - TAND tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị mở phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử bị cáo Mai Xuân Nhân (SN 1959, ngụ thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) về tội “Trộm cắp tài sản”. Đây là vụ án khá đặc biệt vì một số vấn đề liên quan đến quá trình tố tụng chưa được làm sáng tỏ.
1 vụ trộm, 3 kết luận thiệt hại khác nhau
Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa, Mai Xuân Nhân là chủ cơ sở sản xuất nước đá có trụ sở tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tháng 6/2010, Nhân đến cơ sở sửa chữa điện dân dụng của ông Nguyễn Tấn Trung ở phường Phước Hòa (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và được ông Trung mời đi uống cà phê cùng một số người bạn của mình. 
Trong buổi nói chuyện, ông Trung giới thiệu Nhân làm quen với một người bạn tên Tý. Nhân than vãn với mọi người về việc làm ăn thua lỗ ở cơ sở sản xuất nước đá của mình. Nghe vậy, ông Tý bày cách cho Nhân dùng “điện chùa” bằng cách: Cậy chì niêm phong thùng công tơ điện, tháo băng keo của dây nguồn dẫn vào công tơ, rạch vỏ dây cáp điện 3 pha, nhét sợi dây đồng nhỏ vào trong rồi dùng keo dán lại và dùng sơn đen quét lên đường rạch (cả 3 dây cáp điện 3 pha đều làm giống nhau) để ngụy trang; tiếp đó lấy 3 sợi dây đồng nhỏ trên nối với dây điện công tơ đưa về công tắc điều khiển. Khi cần lấy trộm điện chỉ cần bật công tắc lên để rơ le hoạt động thì điện năng không đi qua đồng hồ đo điện nhưng điện năng của cơ sở sản xuất nước đá vẫn hoạt động bình thường. 
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Ngày 28/4/2012, đoàn kiểm tra của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa phát hiện hành vi trộm điện của Nhân nên lập biên bản, thu giữ các vật chứng liên quan. Theo tính toán của đơn vị này, thiệt hại điện năng mà Nhân gây ra là 913.144kWh, quy đổi ra tiền là 1.248.938.854 đồng.
Tuy nhiên, kết luận giám định của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện lực lại thể hiện: Mai Xuân Nhân trộm cắp điện (từ ngày 5/10/2010 đến ngày 28/4/2012) gây thiệt hại sản lượng điện năng của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa là: 491.267kWh, trị giá thành tiền là 1.050.469.069 đồng (?).
Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình Nhân đã tự nguyện giao nộp 800.570.000 đồng. Số tiền này, cơ quan điều tra đã giao cho công ty điện lực tạm thời quản lý.
Ngày 1/11/2012, VKSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Mai Xuân Nhân về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 138 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đến ngày 9/7/2013, cũng chính VKSND tỉnh lại ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó nêu rõ: “Tại bản kết luận giám định ngày 16/10/2012 của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện lực khi xác định thiệt hại sản lượng điện năng của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa nhưng lại không căn cứ vào số liệu trích suất từ công tơ (vật chứng thu giữ), không trừ đi thời gian thực tế những lúc bị can Mai Xuân Nhân không trộm cắp điện như: Công tơ vẫn chạy bình thường (không có dấu hiệu bị mất trộm điện năng), cơ sở sản xuất nước đá ngừng hoạt động để tháo dỡ đá khỏi khuôn, thay nước, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc... Việc tính tiền bồi thường để quy đổi ra giá trị thiệt hại cũng không theo quy định của ngành Điện lực về thời điểm trong ngày (giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường)”. Cùng với đó, VKS cũng yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại thiệt hại sản lượng điện do cơ sở sản xuất nước đá của Nhân gây ra, đồng thời lấy lại lời khai của bị can này.
Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra kết luận điều tra bổ sung, trong đó nêu: “Việc trưng cầu giám định lại trong vụ án trên, cơ quan cảnh sát điều tra nhận thấy không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và không có căn cứ, vì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu: “Họ đồng thời là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo; có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ (theo Khoản 1 và 3 Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự) nên không cần phải giám định lại”.
Tuy nhiên, ngày 16/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn có công văn yêu cầu giám định viên xác định thêm một số nội dung trong bản kết luận giám định của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện năng. Ngày 12/8/2013, giám định viên đã có công văn giải thích và xác định theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra là: Vẫn giữ nguyên kết luận thiệt hại điện năng do Mai Xuân Nhân trộm cắp là 491.267kWh, trị giá thành tiền là 1.050.469.069 đồng. 
Bản kết luận điều tra bổ sung cũng khẳng định việc bị can khai nhận trộm cắp điện liên tục từ ngày 5/10/2010 đến 28/4/2012 là liên tục, trừ những ngày Điện lực Khánh Hòa duy tu, bảo dưỡng lưới điện, sửa chữa và khắc phục sự cố, thay thế công tơ điện định kỳ.
Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi VKSND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định chuyển vụ án hình sự này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đang thụ lý đến VKSND huyện Diên Khánh để truy tố theo thẩm quyền. 
Sau đó, ngày 10/11/2013, VKSND huyện Diên Khánh đã ra cáo trạng truy tố Mai Xuân Nhân về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, cáo trạng này lại căn cứ vào bản xác định lại kết luận giám định ngày 12/8/2013 của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa. 
Theo đó, thời gian tính bồi thường được tính từ ngày thay công tơ gần nhất đến ngày bị phát hiện hành vi trộm cắp điện (từ ngày 27/3/2012 đến ngày 28/4/2012 là 33 ngày), số tiền thiệt hại là 58.069.000 đồng. Bản giám định ghi: “Đối với hành vi trộm cắp điện năng của Mai Xuân Nhân từ trước ngày 27/3/2012, không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy việc tháo dỡ công tơ 96647967 không có biên bản thu giữ, không có niêm phong nên không đủ cơ sở để chắc chắn kết luận định lượng của giám định là chính xác”. Vì lẽ này, VKSND huyện Diên Khánh chỉ truy tố Nhân về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự chứ không phải Khoản 4 nữa.
Thoát án tù nhờ kết quả giám định
Ngày 22/1/2014, TAND huyện Diên Khánh mở phiên tờ sơ thẩm hình sự xét xử Mai Xuân Nhân về tội “Trộm cắp tài sản”. Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Diên Khánh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nhân theo Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã áp dụng hàng loạt các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo và tuyên phạt Nhân 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Về phần thiệt hại điện năng, Tòa cho rằng: “Đối với hành vi trộm cắp điện năng trước ngày 27/3/2012, tại thời điểm trên Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa tổ chức kiểm tra tháo gỡ thay công tơ điện định kỳ, công ty mang về tự quản lý, xử lý, không có biên bản thu giữ, không niêm phong và tại tòa, nguyên đơn, người làm chứng đều thừa nhận vào thời điểm trước ngày 27/3/2012, đi kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước đá của Mai Xuân Nhân không phát hiện gì về hành vi trộm cắp điện của bị cáo. Vì vậy, không có đủ cơ sở để xác định lượng điện năng bị tổn thất chính xác trước ngày 27/3/2012”.
Cùng với đó, căn cứ vào kết quả giám định của Sở Công thương Khánh Hòa, Tòa tuyên buộc bị cáo Nhân đền bù số tiền tổn hại điện năng là 58.069.000 đồng và yêu cầu Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa trả lại 742.500.000 đồng sau khi đã khấu trừ số tiền mà bị cáo và gia đình đã nộp trước đó để khắc phục hậu quả.
Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã làm đơn kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự của bị cáo, không đồng ý với kết quả giám định về tổn thất điện năng như bản cáo trạng của VKSND huyện Diên Khánh. Phiên tòa phúc thẩm tại TAND tỉnh Khánh Hòa sẽ được mở vào ngày 12/5/2014 tới đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ quan điểm: 
“Ban đầu VKSND tỉnh Khánh Hòa đưa ra quan điểm truy tố bị cáo Nhân theo Khoản 4, Điều 138 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt nặng hơn nhiều so với Khoản 2 của cùng tội danh này. Bị cáo đã nhận tội và khẳng định mình trộm cắp điện suốt một thời gian dài, gia đình bị cáo cũng đã nộp hơn 800 triệu đồng để khắc phục hậu quả mà bị cáo gây ra. Tuy nhiên, sau khi có kết quả điều tra bổ sung, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã thay đổi quan điểm, chuyển hồ sơ vụ án về VKSND huyện Diên Khánh giải quyết theo thẩm quyền.
Tiếp đó, Viện KSND huyện Diên Khánh đã tiến hành phúc cung, lúc này bị can Nhân thay đổi lời khai cho phù hợp với quan điểm truy tố của VKS, từ đó tội danh được chuyển từ Khoản 4 xuống Khoản 2. Đáng lẽ, khi thấy vụ án có nhiều điểm chưa được sáng tỏ, nhất là kết quả giám định lệch nhau hoàn toàn, VKSND tỉnh Khánh Hòa phải tiếp tục yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung nhưng lại chuyển về VKSND huyện Diên Khánh, chính điều này đã khiến vụ án trở nên phức tạp và phải cần nhiều cấp giải quyết, gây kéo dài, ảnh hưởng tới cả quyền lợi của đôi bên.
Mấu chốt của vụ án này là vấn đề giám định tổn thất điện năng giữa các cơ quan tố tụng. Phía Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa có một kết quả, trong khi kết quả giám định của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện lực lại có kết quả khác. Đến khi Sở Công thương Khánh Hòa lại cho ra một kết quả giám định khác hẳn nữa. Nếu vụ án này không giải quyết thấu đáo, nếu không có một cách giám định chính xác, thống nhất và nếu không giải quyết vụ án đúng trình tự tố tụng sẽ tạo ra tiền lệ, thậm chí “lỗ hổng” trong các vụ án về trộm cắp điện, từ đó khả năng “chạy án”, “thoát tội” rất dễ xảy ra.
Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, TAND tỉnh Khánh Hòa cần hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung, giám định thống nhất phần thiệt hại điện năng để vụ án được sáng tỏ”.

Tin cùng chuyên mục

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (TGĐ Cty Sài Gòn Đại Ninh) được dẫn giải tới tòa.

Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại gia Nguyễn Cao Trí sức khỏe yếu, đang điều trị bệnh

(PLVN) - Theo luật sư của cựu Bộ trưởng và đại gia Nguyễn Cao Trí, sức khỏe của 2 bị cáo yếu, đề nghị HĐXX cho bị cáo được ngồi trả lời và sử dụng phòng y tế khi cần. Bởi ông Dũng đang điều trị nội trú tại khoa thần kinh do di chứng của nhồi máu não, ông Trí đang điều trị bệnh về cột sống, tình trạng bệnh rất xấu.

Đọc thêm

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam kể công

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam khai, khi nhận thức được hành vi sai phạm, ông đã làm đơn tự thú khi cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, ông Thái còn nói, nhờ đơn tố giác của ông mà phát hiện đường dây SGK giả lớn nhất từ trước tới nay.

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).