Những ngày gần đây, thông tin 3 NH cổ phần nhỏ có tình hình tài chính không lành mạnh sẽ sáp nhập thành một NH lớn. Nếu đề án này được NHNN thông qua có thể đây là thương vụ sáp nhập đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam khởi đầu từ năm 2012. Bình luận về thông tin này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cho biết:
Theo tôi, đề án này có sẽ khó khả thi. Bởi để khôi phục một NH yếu, điều quan trọng nhất phải có tiền làm sạch nợ xấu của NH đó. Vì thế, nếu cả 3 NH đều có tình hình tài chính yếu kém, căng thẳng thanh khoản triền miên, được sáp nhập với nhau thì lấy tiền ở đâu để làm sạch nợ.
Hơn nữa, những NH yếu kém, nợ nần nhiều, nguyên nhân không phải do nhân viên yếu kém, mà do chính ông chủ NH quản lý yếu kém, lũng đoạn, đổ tiền cho vay những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay cho vay trong nội bộ cổ đông lớn…
TS.Lê Xuân Nghĩa. |
Ngoài ra, những NH có tình hình tài chính không lành mạnh sáp nhập với nhau càng không tạo niềm tin cho người dân gửi tiền vào NH đó. Tôi tin rằng nếu đề án này có trình lên cơ quan quản lý, chắc chắn nơi đây sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Nhưng liệu các NH lớn với tình hình tài chính tốt có “mặn mà” với kế hoạch sáp nhập, mua lại NH yếu kém?
Việc mua bán, sáp nhập NH nên là quá trình tự nguyện. Theo đó NH tốt có thể mua một hoặc vài NH xấu và ngược lại các NH xấu có thể đăng ký tự nguyện sáp nhập NH lớn.
Ở nước ta đầu tư vào lĩnh vực NH vẫn đang là tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngay cả nhiều NH lớn cũng không giấu tham vọng mua lại NH nhỏ. Bởi hiện nay các điều kiện để thành lập NHTM khắt khe hơn trước nhiều.
Vì thế mua lại NH nhỏ, đặc biệt những NH yếu kém sẽ có giá rẻ, do vậy NH lớn không chỉ tận dụng mạng lưới hoạt động, cơ sở khách hàng sẵn có, mà còn gia tăng cơ hội kiếm lợi trong tương lai. Thí dụ, sau một thời gian phục hồi NH nhỏ, các chủ đầu tư NH có thể bán lại cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao.
Ông nhận định ra sao về tình trạng nợ xấu đang lây lan trên thị trường liên NH?
Có một thực tế đang đặt dấu hỏi là tại nhiều NH khoản nợ xấu trên thị trường 1 (thị trường dân cư) thấp hơn trên thị trường 2 (thị trường liên NH). Thật ra nhiều NH nhỏ có khoản nợ xấu trên thị trường 2 cao nhưng ngại nói với NHNN, vì sợ bị giám sát đặc biệt sẽ lộ tẩy nhiều bê bối khác.
Để bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản, các NH này tăng cường huy động vốn trên thị trường 1 với lãi suất cao. Điều này thể hiện rõ qua việc cạnh tranh huy động vốn với lãi suất “khủng” thời gian qua để bù đắp thanh khoản chứ không phải cho vay.
Bởi trên thị trường 2 các NHTM không dám cho nhau vay nói gì cho doanh nghiệp vay. Do vậy, NHNN phải bảo vệ hệ thống NHTM bằng nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường 2.
Cụ thể, NHNN đẩy mạnh cho vay, chấn chỉnh các hợp đồng tín dụng, thậm chí mua lại một số khoản nợ xấu của NHTM nhỏ như một hình thức quốc hữu hóa. Xu hướng này đang phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
NHNN cũng có thể điều tiết vốn thị trường 2 bằng cách tăng dự trữ bắt buộc và dùng dự trữ bắt buộc ấy cho NHTM nhỏ vay, coi như điều tiết vốn từ NH lớn sang NH nhỏ mà không cần phải in tiền.
Hình thức chủ yếu là cho vay với kỳ hạn 1 năm. Ngoài ra, NHNN cũng có thể đứng ra làm môi giới (có thu phí) điều tiết vốn giữa NH thừa vốn sang NH thiếu vốn.
Khó khăn hiện nay là NH lớn, nhiều tiền không mặn mà cho NH nhỏ vay do không tin tưởng khả năng trả nợ của NH nhỏ, kể cả khi NHNN đứng ra làm “trọng tài”.
Những bất ổn thanh khoản, nợ xấu trên thị trường 2 phải chăng do áp trần 14%/năm trên thị trường 1?
Để giải quyết vấn đề thanh khoản quan trọng nhất là dùng biện pháp thị trường. Vì huy động muốn đạt hiệu quả đương nhiên phải huy động theo lãi suất thị trường.
Do vậy, sau khi NHNN củng cố xong thị trường 2, chấn chỉnh các NHTM nhỏ yếu kém mới tiến tới lộ trình bỏ trần lãi suất huy động để củng cố và khôi phục thị trường 1. Tất cả biện pháp hành chính nếu duy trì lâu dài sẽ cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn đến việc các NHTM lách luật.
Ông bình luận gì về room tín dụng năm 2012?
Theo tôi NHNN cũng nên bỏ quy định “room” tín dụng 20%, thay vào đó nên dùng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10% để quy định tăng trưởng tín dụng tối thiểu. Đó là một trong những nguyên lý quản trị số 1 của Basel.
Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu trên thị trường 1 của hệ thống NHTM Việt Nam cao hơn con số công bố? Liệu Chính phủ bỏ tiền ra mua nợ xấu NH có gây nên lạm phát không?
Hiện Việt Nam đang xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống NHTM nhưng cần thời gian vì liên quan đến số thực nợ xấu. Ngay cả NHNN và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chưa thể xác định chính xác nợ xấu, bởi chuẩn phân loại nợ xấu của nước ta khác chuẩn quốc tế, chưa kể các NHTM có xu hướng giấu nợ xấu.
Vì vậy, sắp tới đây sẽ một cuộc đại khảo sát về nợ xấu của hệ thống NHTM từ đó có giải pháp trị dứt điểm. Giả định 1 NH có tỷ lệ nợ xấu lớn, việc đầu tiên là dùng dự phòng rủi ro để xóa, sau đó có thể bắt buộc ông chủ sở hữu NH phải đóng thêm vốn xóa nợ xấu hoặc vốn góp từ cổ đông trong và ngoài nước.
Nếu cả 3 trường hợp này không giải quyết được, Chính phủ mới can thiệp bằng việc mua toàn bộ nợ xấu và quốc hữu hóa NH đó. Chính phủ bỏ tiền ra mua nợ xấu NH nhưng sẽ không gây ra lạm phát vì đây là tiền sổ sách, tiền tài khoản, khế ước, không phải bằng tiền mặt.
Thí dụ, có NH có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nhưng nợ xấu 5.000 tỷ đồng. Sau khi trừ hết vẫn còn âm và chủ sở hữu không có tiền để tăng vốn 3.000 tỷ đồng, Chính phủ và cổ đông khác có thể mua lại NH này.
Xin cảm ơn ông.
Theo ĐTTC