Vì vậy, trong quá trình triển khai thi hành, các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp tháo gỡ, trong đó dự kiến tới đây khi sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 sẽ luật hóa việc cho phép nộp hộ tiền phạt VPHC qua bưu điện.
Chỉ được nộp qua Kho bạc
Điều 78 Luật Xử lý VPHC quy định về thủ tục nộp tiền phạt quy định cụ thể như sau: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Nếu quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt…
Thực tế triển khai cho thấy, quy định trên làm không ít người vi phạm gặp khó, nhất là những trường hợp vi phạm ở một địa phương khác nơi người vi phạm sinh sống, làm việc.
Điển hình là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người vi phạm thường gặp khó khăn trong việc ở lại hoặc quay lại địa phương có hành vi vi phạm nộp phạt sau, tiền phạt có khi không nhiều bằng chi phí ăn, ở, đi lại phát sinh.
Vì vậy, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 4/2/2016, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng trên thực tiễn.
Theo đó, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP có bổ sung quy định việc thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt VPHC và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt VPHC qua hệ thống bưu điện bằng hình thức bảo đảm…
Hiệu quả từ thí điểm trong lĩnh vực giao thông
Địa phương đầu tiên tổ chức thí điểm dịch vụ này và lĩnh vực thí điểm là lĩnh vực giao thông là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu – địa phương có nhiều khu du lịch, hàng ngày có rất nhiều khách từ các địa phương khác đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong quá trình tham gia giao thông vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Khi từ các địa phương khác tới, với khoảng cách địa lý xa, việc chấp hành các quyết định xử lý VPHC và nộp tiền phạt khá vướng mắc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên hệ Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bưu điện tỉnh để thực hiện việc đóng phạt qua tài khoản và chuyển các loại giấy tờ bị tạm giữ đến tận tay người vi phạm.
Sau hơn 01 năm đầu triển khai thực hiện, người vi phạm tự nguyện sử dụng dịch vụ là 4.600 trường hợp với số tiền thu nộp phạt gần 3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40% biên bản VPHC đã lập. Tiếp đó, hàng loạt các tỉnh, thành cũng đã triển khai dịch vụ này như Thừa Thiên - Huế, An Giang, TP HCM…
Chỉ tính trong lĩnh vực giao thông, hàng năm có hàng triệu vụ VPHC với số tiền thu rất lớn (riêng năm 2015 có 4,2 triệu vụ với số tiền thu khoảng 2.800 tỷ đồng), ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người dân, tổ chức. Bởi thế, việc Chính phủ cho phép thực hiện dịch vụ nộp tiền phạt qua bưu điện đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.
Hiệu quả của dịch vụ này là bước góp phần trong cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, dịch vụ còn giúp giảm bớt áp lực đối với chiến sĩ cảnh sát giao thông làm việc tại các điểm tiếp dân xử lý VPHC, giảm bớt số lượng cán bộ để có thể phân công làm nhiệm vụ khác. Dịch vụ này được nhiều người dân đón nhận và tự nguyện tham gia, đặc biệt là những tài xế lái xe liên tỉnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc nộp hộ tiền phạt VPHC qua bưu điện hiện mới chỉ được quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) thì cơ sở pháp lý chưa cao.
Trước quan điểm này và từ những lợi ích mà dịch vụ trên mang lại, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 78 Luật năm 2012 theo hướng quy định việc nộp hộ tiền phạt VPHC và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt VPHC qua hệ thống bưu điện trên cơ sở luật hóa một số quy định của Nghị định số 81.
Qua đánh giá hiệu quả từ thí điểm trong lĩnh vực giao thông, việc luật hóa dịch vụ này sẽ giúp tiết kiệm những chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, chống gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân khi làm thủ tục, giúp lành mạnh hóa các thủ tục hành chính.