Sẽ có Nghị định để giải quyết mâu thuẫn
Theo đó, Bộ Tư pháp kiến nghị: “Đối với các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có quy định hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong các nghị định để làm rõ phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên. Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện; hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện sẽ áp dụng xử phạt hành chính thống nhất theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản”.
Đồng thời kiến nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng một nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định: 79/2013/NĐ-CP, 107/2013/NĐ-CP, 109/2013/NĐ-CP, 138/2013/NĐ-CP, 173/2013/NĐ-CP, 176/2013/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn để làm rõ việc xử phạt hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật là phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên.
Báo chí chỉ là đối tượng của Nghị định 159/2013
Thời gian qua, sau khi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP (ngày 12/11/2013) của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành, một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam, đã phản ánh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về xử phạt VPHC đối với báo chí đưa tin sai sự thật, tập trung vào hai vấn đề chính là: Hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng mức phạt có sự khác nhau so với mức phạt được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP; và pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi đưa tin sai sự thật của báo chí.
Sau khi Bộ Tư pháp rà soát các nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC được ban hành theo quy định của Luật Xử lý VPHC và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các vấn đề mà báo chí nêu, các cơ quan chức năng thống nhất nhận định: “Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản được áp dụng để xử phạt đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện và hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện. Còn mục đích chính của các nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác là xử phạt cá nhân, tổ chức thực hiện việc cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, không bao gồm phóng viên và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, do mô tả hành vi tại các nghị định này chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu trong đó có việc phạt hành chính đối với các cơ quan báo chí và phóng viên”.
Những điểm chưa rõ này sẽ sớm được làm rõ, tránh tình trạng “cơ quan nào cũng có thể phạt” đối với một hành vi đưa tin sai sự thật trong hoạt động báo chí, tạo sự yên tâm cho những nhà báo, phóng viên đang hàng ngày tác nghiệp để mang thông tin đến cho xã hội. Động thái này còn cho thấy sự tích cực, khách quan của các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Tư pháp, trong việc “phản ứng chính sách”, đảm bảo cho hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ, có tác động tích cực cho sự phát triển và ổn định của xã hội.
Những Nghị định (NĐ) đang cùng NĐ 159/2013 để xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí gồm: NĐ số 79/2013/NĐ-CP (ngày 19/7/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực thống kê; NĐ số 107/2013/NĐ-CP (ngày 20/9/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; NĐ số 109/2013/NĐ-CP (ngày 24/9/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; NĐ số 138/2013/NĐ-CP (ngày 22/10/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục; NĐ số 173/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, đo đạc bản đồ và NĐ số 176/2013/NĐ-CP (ngày 14/11/2013) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế).