“Loạn” cơ quan xử phạt báo chí

“Loạn” cơ quan xử phạt báo chí
(PLO) - Không chỉ nhiều cơ quan tự cho mình thẩm quyền được phạt báo chí mà các mức chế tài quy định tại các Nghị định liên quan cũng bộc lộ khá nhiều mâu thuẫn.
Một cổ trăm tròng
Trước tiên phải kể đến Nghị định (NĐ) 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thống kê (ban hành ngày 19/7/2013 và có hiệu lực từ ngày 5/9/2013), trong đó Điều 13 của NĐ này quy định: 
“Phạt tiền từ trên 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật”. Ngoài ra, tại Điều 14 cũng cho phép “Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm…”.
Tiếp sau đó, Điều 14 NĐ 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (ban hành ngày 24/9/2013  và có hiệu lực từ ngày 9/11/2013) quy định: “Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Phạt tiền từ 75 - 100 triệu đồng đối với hành vi trên nếu đăng tải phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác”.
Ngoài lĩnh vực thống kê và quản lý giá, khi NĐ 138/2013/NĐ-CP ra đời để điều chỉnh trong lĩnh vực giáo dục (ban hành ngày 22/10/2013, có hiệu lực  từ ngày 10/12/2013) cũng cho phép  phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
Gần đây nhất, ngày 13/11/2013  Chính phủ ban hành NĐ số 173/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) cũng quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không nêu nguồn gốc cấp tin…
Như vậy, tính sơ sơ cũng đã có bốn NĐ cho phép các Bộ, ngành liên quan được xử phạt báo chí khi đưa tin không đúng sự thật, trong đó có ba NĐ đã có hiệu lực thi hành và một NĐ sẽ phát huy hiệu lực trong nay mai. Đồng nghĩa với đó là có rất nhiều cơ quan khác nhau được quyền nhân danh Nhà nước để “tuýt còi” và xử phạt báo chí, vô hình trung, báo chí trở thành cơ quan “một cổ, trăm tròng”. 
Trong khi đó, NĐ 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản (sẽ được thay thế bằng NĐ 159/2013/NĐ-CP từ ngày 1/1/2014), quy định thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành TT-TT; Chánh Thanh tra Sở TT-TT; Chánh Thanh tra Bộ TT-TT và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện trở lên...  Đối chiếu với quy định này thì rõ ràng một loạt NĐ mà chúng tôi vừa viện dẫn đã “nhận vơ” phần việc của chuyên ngành TT-TT.  
Chế tài “vênh” nhau
Không chỉ gây ra sự chồng chéo về thẩm quyền xử phạt mà quy định tại các NĐ trên còn mâu thuẫn, không thống nhất về mức chế tài. Theo Khoản 5 Điều 2 NĐ số 81/2013/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC (NĐ số 81/2013/NĐ) thì “…Trường hợp hành vi VPHC thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định và xử phạt trong NĐ  xử phạt  VPHC  thuộc lĩnh vực khác. 
Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại NĐ xử phạt VPHC của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng”. Nhưng tại các NĐ nói trên, trong một số trường hợp, tính chất của các hành vi vi phạm là như nhau nhưng mức chế tài lại khác nhau một trời, một vực. 
Ý kiến của nhiều luật sư cho rằng, các hành vi vi phạm liên quan đến việc đưa tin sai sự thật, dẫn nguồn tin không đúng… đã được quy định rất cụ thể tại NĐ 02/2011/NĐ-CP và NĐ 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Ngoài ra, Điều 1 Khoản 3 NĐ 159 quy định: “Các hành vi VPHC liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại NĐ này mà quy định tại các NĐ  xử phạt  VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”. 
Quy định này có nghĩa là chỉ những hành vi nào mà NĐ 159 không điều chỉnh thì các NĐ khác mới được bổ sung, đưa vào để xử phạt. Nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược và như vậy, chỉ với hành vi đưa thông tin không chính xác của cơ quan báo chí, đã có một “ma trận” các văn bản quy phạm pháp luật cùng hùa vào để đòi xử phạt.  
Lại thêm một sự “lấn sân”
Không chỉ là các quy định đã có hiệu lực pháp luật, gần đây, khi soạn thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, ngành Tòa án cũng đang có ý định “nhăm nhe” đòi phạt báo chí. Cụ thể, tại Dự thảo trên, cơ quan soạn thảo là Tòa án nhân dân Tối cao đã đề xuất quy định: “1. Cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm” (Điều 25 Dự thảo). 
Ngay sau khi công bố, quy định này đã vấp phải sự phản đối từ dư luận, bởi theo Điều 9 Luật Báo chí thì nếu báo chí đăng tin sai sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xử phạt và phải đăng cải chính. Các cơ quan khác chỉ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện báo chí khi đăng thông tin sai chứ không có quyền xử phạt. Và khi có đơn khởi kiện thì thẩm quyền của Tòa án là thụ lý để xét xử, chính vì thế Tòa không thể làm thay nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước để phạt hành chính báo chí.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng Pháp luật- Chính sách (Cục Báo chí) cũng thừa nhận quy định tại Điều 25 của Dự thảo nói trên là có sự chồng chéo và không đầy đủ. Lý giải vì sao có sự chồng chéo.
Ông Hiếu lập luận: “Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Dự thảo thì mức phạt chỉ từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, trong khi theo quy định của pháp luật về báo chí thì hành vi báo chí đưa tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, Dự thảo Pháp lệnh nên bỏ quy định này.
Ông Nguyễn Phan Phúc - Phó trưởng Phòng Thanh tra Báo chí - xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông:
Không phù hợp với tinh thần của Luật Báo chí
Khoản 1, 2 Điều 17 a Luật Báo chí đã quy định: “1.Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí; 2. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ TT-TT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí”. 
Như vậy, có thể khẳng định, Bộ TT-TT là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, trong đó có việc xử lý vi phạm về hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí. Hơn nữa, hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhưng quy định tại Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND lại cho phép Tòa án có thẩm quyền xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án là không phù hợp với tinh thần của Luật Báo chí và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, hành vi này không phải là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh nói trên.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.