Giải thích thiếu thuyết phục
- Ông có nhận xét gì trước một loạt quy định tại các Nghị định cho phép nhiều cơ quan được phép xử phạt báo chí?Liệu các quy định này có mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền xử phạt?
- Xử lý các hành vi vi phạm hành chính là điều cần thiết, nó vừa mang tính ngăn chặn, vừa có tính răn đe, cho nên với bất kỳ lĩnh vực nào - không loại trừ báo chí - nếu có hành vi vi phạm thì đều phải bị xử phạt. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý là xử phạt phải đúng.
Nếu là vi phạm trong lĩnh vực báo chí thì phải xử phạt theo quy định tại Nghị định (NĐ) xử phạt trong hoạt động báo chí, xuất bản (trước đây là NĐ 02/2011/NĐ-CP và nay được thay thế bằng NĐ 159/2013/NĐ-CP).
Không nên đưa hoạt động báo chí vào cùng xử phạt trong rất nhiều lĩnh vực khác và không phải cơ quan nào cũng có thể “đè” báo chí ra để xử phạt, như thế là phạt chồng lên phạt. Những hành vi không đúng thì phải bị điều chỉnh, nhưng không phải xử phạt tràn lan, xử phạt tới mức các nhà báo, phóng viên ngại ngùng không muốn thể hiện chính kiến của mình trong bài viết nữa.
Và điều quan trọng hơn là vi phạm trong hoạt động báo chí thì chỉ nên điều chỉnh tập trung trong một văn bản pháp luật, không nên rải ra rất nhiều văn bản pháp luật khác, khiến cho người ta không biết thế nào để thực hiện.
- Một chuyên gia pháp luật nhận định, các quy định xử phạt báo chí tại một loạt NĐ vừa ban hành không mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời giải thích: cơ quan nào phát hiện sai phạm trước thì cơ quan đó có thẩm quyền xử phạt. Theo ông, ý kiến trên có thuyết phục và có phù hợp với quy định của pháp luật?
- Tôi cho rằng, ở đây không có chuyện ai phát hiện trước thì được xử phạt trước, mà phải làm rõ một điều, chức năng và thẩm quyền xử phạt hành vi đó thuộc về ai? Đơn giản thế này thôi, với một hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thì anh dân phòng dù có phát hiện trước cũng không thể tuýt còi xử phạt được, bởi dân phòng không có thẩm quyền này, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi đó phải thuộc về lực lượng Cảnh sát giao thông.
Hay như ông Chủ tịch UBND phường cũng không vì thấy hành vi vi phạm luật giao thông mà xử phạt người vi phạm, dù hành vi vi phạm đó xảy ra trên địa bàn của ông quản lý. Có thể nói, khi anh không có thẩm quyền mà vẫn tiến hành xử phạt thì đó là việc làm sai và chồng chéo. Không bao giờ có chuyện ai thấy trước thì phạt trước cả.
Nói như vậy thì bây giờ có ba cơ quan chức năng cùng phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan nào sẽ đứng ra phạt đây? Chả lẽ cả ba cơ quan này đều cùng rút phiếu ra phạt à? Sự lành mạnh nhất và đúng đắn nhất của pháp luật là thẩm quyền ai được xử lý vi phạm. Pháp luật không thể cho rất nhiều người được cùng xử lý một hành vi vi phạm và như thế là gây nên tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhiều người đấy nhưng cuối cùng cũng không ai phạt cả, hoặc là cùng một lúc lại phạt chồng chéo, phạt chồng lên phạt. Bởi vậy, theo tôi cách giải thích như trên không được thuyết phục.
Không nên bảo thủ để bảo vệ cái sai
- Dù biết là bất cập nhưng hiện nay các quy định nói trên đã có hiệu lực thi hành và một số cơ quan trực tiếp soạn thảo các văn bản pháp luật đó vẫn bảo vệ cho quan điểm của họ?.
-Thời gian vừa qua, có khá nhiều văn bản luật vừa mới “khai sinh” đã vội “khai tử”. Nhiều cơ quan của Chính phủ cũng như nhiều Bộ, ngành đã rất cầu thị khi họ tự mình rút các quy định không phù hợp, bởi các quy định đó không đi vào đời sống, trái pháp luật, vi hiến hoặc là những quy định “ở trên trời”, chẳng hạn như quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng….
Tốt nhất là những cơ quan đã xây dựng những quy định như thế và khi cảm thấy sai phạm thì phải có tinh thần cầu thị, tự mình hủy những quy định của mình, không nên vì mình đã ban hành các văn bản đó mà bảo thủ để bảo vệ cái sai của mình. Làm được như thế thì sẽ càng giữ thêm uy tín của những cơ quan quản lý nhà nước đó.
Còn nếu anh không tự nguyện rút thì chắc chắn cũng sẽ có những cơ quan đứng ra để kiểm soát, đó là các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan cao hơn sẽ giám sát hoạt động và việc xây dựng các văn bản pháp quy của anh. Cuối cùng, tất cả các văn bản pháp luật đều phải được cả xã hội thừa nhận, nếu không được xã hội thừa nhận thì nó không thể đi vào đời sống được.
- Vậy, trước mắt phải xử lý thế nào để tránh chồng chéo về thẩm quyền xử phạt và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động trong thời gian tới, thưa ông?
-Tôi nghĩ rằng Hội Nhà báo Việt Nam - là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho các nhà báo - và Bộ Thông tin và Truyền thông - là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí - phải lên tiếng và phải có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với các cơ quan đã soạn thảo các Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn vừa rồi để cho dư luận xã hội thấy rằng, đã có cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức, hiệp hội vào cuộc. Bởi bản thân các Hội nghề nghiệp cũng là những người đứng ra làm công tác phản biện rất tốt cho những chính sách mới ra đời.
- Trân trọng cám ơn ông!