Cụ thể, có 3 đề tài nghiên cứu, gồm Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của coronavirus (nCoV-2019) được giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.
Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của coronavirus giao Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP HCM và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH-CN Cần Thơ) thực hiện.
Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus tại Việt Nam giao Viện Pasteur TP HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
Do đã chủ động nghiên cứu ngay từ khi xuất hiện dịch nên các đơn vị được giao chủ trì và phối hợp cam kết trong thời gian 1 tháng có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện có thể có sản phẩm sau 2 tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM cung cấp chứng dương coronavirus. Đồng thời, các đơn vị sản xuất cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng các bộ sinh phẩm này theo quy trình rút gọn để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xem xét, phê duyệt một số nhiệm vụ KH-CN độc lập cấp quốc gia để góp phần công tác phòng, chống dịch bệnh trên (nếu có) theo hướng nghiên cứu sản xuất vắc xin, nghiên cứu tác dụng của một số thuốc trong điều trị, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch, xe cứu thương áp suất âm…
Bộ KH&CN sẽ giao trực tiếp các đề tài nghiên cứu trên cho 3 tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện, trong vòng 1 tháng nữa có thể có 3 loại Bộ Kít để chủ động chẩn đoán, phân loại bệnh nCoV-2019, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.