Suốt nhiều năm qua, những người dân sinh sống ở đoạn đường Trần Xuân Soạn (thuộc khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ đội chiếc nón lá, ngày ngày cần mẫn xách chiếc giỏ dụng cụ làm móng và chiếc ghế con đi đến khắp những con hẻm để làm đẹp cho khách hàng. Nhiều người bất ngờ chua xót khi biết bà chính là “cô đào” Hoa Mỹ Hạnh nổi tiếng một thời.
Bóng hồng trên sân khấu cải lương
Căn phòng trọ chật chội chưa đầy 12m2 của nghệ sĩ cải lương Hoa Mỹ Hạnh nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Giữa trưa, cái nắng gắt đổ xuống từ mái tôn cũ kỹ càng khiến căn phòng thêm oi bức ngột ngạt. Không thể ngả lưng ở trong phòng, nữ nghệ sĩ một thời khó nhọc bước từng bước đến ngồi bên bậc cửa, lặng lẽ trút những tiếng thở dài vào thinh không.
Bà hồi ức, người mẹ sinh ra bà vốn đã mang số phận không may mắn phải mồ côi mẹ từ khi còn ẵm ngửa. “Năm má tui lên 5 tuổi, ông ngoại dắt má đến một gia đình khá giả nhất vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang) để xin giữ em cho người ta.
Má tui làm việc ở đó suốt 12 năm trời, cho đến ngày má đi coi hát rồi gặp được ba (nghệ sĩ cải lương Lê Phước Hồng – PV). Năm đó má vừa tròn 17 tuổi, vì quá say đắm tiếng hát và yêu ba từ cái nhìn đầu tiên, bất chấp tất cả, má bỏ trốn khỏi quê hương theo ba và đoàn hát phiêu bạt khắp chốn”.
Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh thời trẻ |
Nữ nghệ sĩ kể thêm, người cha của bà từng là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời bấy giờ. Ông đã dạy cho vợ hát vọng cổ, vợ chồng cùng sống bằng nghề bán giọng ca. Về sau, để có thêm thu nhập, mẹ bà làm thêm nghề vũ nữ. Theo những chuyến lưu diễn nay đây mai đó, 5 anh em bà được sinh ra mỗi người một nơi.
Bà Hạnh là con gái kế út, cũng được chào đời trong rạp hát. Khi đứa con còn đỏ hỏn chưa kịp cứng cáp, đoàn hát lại “nhổ neo” tiếp tục cuộc mưu sinh. Do vậy, cũng như các anh, các chị, bà không có giấy khai sinh, không biết đâu là quê hương bản quán, chỉ biết rạp hát là nhà.
Lên 5 tuổi, bà đã biết ca vọng cổ, 7 tuổi trở thành “đào con” trong gánh hát. Những lần cô bé “đào con” hồn nhiên, nhí nhảnh lên sân khấu biểu diễn, tiếng vỗ tay từ đông đảo khán giả ở phía dưới vang lên rầm rầm. Ánh mắt buồn chợt như lóe sáng trong dòng hồi ức của nữ nghệ sĩ, bà nhớ lại, chính sự nồng nhiệt từ những khán giả yêu cải lương thời đó đã từng ngày ươm mầm cho niềm đam mê và thôi thúc bà quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật này.
Suốt nhiều năm tự học hỏi phấn đấu, năm 15 tuổi, bà trở thành “đào chính” trong gánh hát Trường Sơn của “ông bầu” Bảy Hường, đây cũng là nơi tên tuổi của bà bắt đầu được nhiều đoàn hát “săn đón”. Từ đó đến năm 18 tuổi, bà được ví là bóng hồng “đắt show” của làng nghệ thuật cải lương miền Nam, bởi không chỉ sở hữu chất giọng truyền cảm mà còn có một nhan mặn mà sắc trời phú.
Liên tục trong nhiều năm, bà được nhiều đoàn hát mời về làm “đào chính”, được hát chung với nhiều nghệ sĩ tên tuổi Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng... tên tuổi nổi danh như cồn. Khi đang là “đào” của đoàn Thanh Hương Hùng Minh, đoàn Tân Thủ Đô Tấn Tài đã sẵn sàng bỏ ra số tiền “cát xê” “khủng” để quyết mời bằng được Hoa Mỹ Hạnh về đoàn. Bà nhớ lại: “Hồi đó số tiền “cát xê” của đoàn Tấn Tài có thể giúp tui mua được một căn nhà, là điều mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mơ ước”
Tuổi già cơ cực
Tròn 18 tuổi, bà gặp nghệ sĩ cải lương Minh Hải. Không lâu sau, hai người đến với nhau. Khi đã có trong tay số vốn nhất định, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh nghỉ hát ở các đoàn khác cùng chồng tách ra thành lập đoàn hát riêng lấy tên đoàn là Sơn Ca.
Bà kể: “Thời đó chưa có điện nên vô tuyến hay chiếc ra đi ô là thứ vô cùng xa xỉ đối với tất cả mọi người, còn cải lương được người dân Nam Kỳ ví von là “quốc hồn, quốc túy”. Đoàn hát chỉ thắp đèn dầu để diễn nhưng đi đến đâu là “cháy” vé đến đó, mỗi ngày cả đoàn phải làm việc hết công suất mới phục vụ được nhu cầu giải trí của người dân... Hồi đó, ước lượng mỗi ngày đoàn hát của vợ chồng tui kiếm được một cây vàng, đó là số tiền không hề nhỏ”.
24 tuổi, bà đã trở thành bà chủ một gánh hát có tiếng, sở hữu nhà lầu, xe hơi. Một cuộc sống gia đình đầy đủ, no ấm và hạnh phúc với người chồng tài giỏi và con trai ngoan hiền. Tưởng chừng mọi thứ đã quá đủ đầy trọn vẹn, thế nhưng bà không thể ngờ từ đây mọi sóng gió mới bắt đầu ập đến.
Hoa Mỹ Hạnh trong một vai diễn ngày trẻ |
“Khi trở nên giàu có, chồng tui như đổi tính hoàn toàn, không chỉ tiêu xài phung phí. Ổng còn có thói trăng hoa, có vợ bé bên ngoài. Khi biết được sự việc, tui đã hết lời khuyên ngăn nhưng ổng không nghe. Tui bất lực ôm con ra khỏi nhà chỉ còn hai bàn tay trắng”, bà kể.
Một thời gian dài, bà và người con trai còn nhỏ dại phải sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn. Không có nhà để về, bà quay lại những gánh hát trở lại nghiệp rong ca. Đoàn hát đi đến đâu, bà dắt con theo đó. Trong một chuyến lưu diễn ở Long Xuyên, cơn sốt rét ác tính đã cướp mất người con trai duy nhất của bà. “Mất” đi niềm hi vọng duy nhất, người mẹ đứt ruột gan nhưng đành phải gắng gượng để tiếp tục sống.
Khi phim ảnh nước ngoài ồ ạt du nhập vào Việt Nam như một cơn sóng mạnh mẽ, nghệ thuật cải lương dần bị “thất sủng”. Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, sau một thời gian mòn mỏi sống với nghề, Hoa Mỹ Hạnh đành từ giã nghiệp diễn. Trở lại cuộc sống đời thường, bà mở một tiệm làm tóc nhỏ ở Bắc Mỹ Thuận (Cần Thơ) để mưu sinh. Ngày cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ, bà theo những người dân lên Sài Gòn làm móng dạo.
Bà kể, khi mới lên Sài Gòn, bà thuê một căn trọ nhỏ để sinh sống. Những năm đầu, nghề cũng giúp bà đủ cái ăn nhưng sau đó dần khốn khó. Khó khăn đến nỗi, bà không đủ tiền để bắt xe về Long Xuyên thăm mộ con trai. Tuy nhiên khi hay tin người anh trai (cũng từng là nghệ sĩ đàn nhạc trong đoàn hát- PV) không may lâm bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, bà vẫn không quản ngại cưu mang cả người anh, rau cháo nuôi nhau.
Hơn 5 năm trước, người anh “số khổ” của bà qua đời. Vì không muốn ở lại trong căn phòng có nhiều kỷ niệm buồn bà chuyển đến căn phòng trọ hiện giờ. Tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày bà vẫn đội chiếc nón lá, xách chiếc giỏ đựng dụng cụ và một cái ghế con cần mẫn ra đường làm móng dạo mưu sinh.
Bà cho hay, hồi trước dù đoạn đường xa bao nhiêu bà cũng chỉ đi bộ hàng chục km để tìm khách. Nhưng đến nay, sức khỏe bà đã quá yếu vì căn bệnh tim và nhiều bệnh tuổi già, bà chỉ phục vụ khách quen, mỗi khi có khách gọi điện đến bà mới đi làm. Nhiều người thương tình cũng trả bà thêm tiền để bà có được bữa cơm đầy đủ.
Ngồi lặng lẽ bên bậc cửa, nữ nghệ sĩ một thời cảm động trải lòng: “Gần chục năm nay, tâm nguyện duy nhất của tui là về thăm mộ con nhưng chưa thực hiện được. Năm vừa rồi, có người hảo tâm biết được hoàn cảnh của tui nên đã hỗ trợ tui về cất bốc hài cốt con lên Sài Gòn gửi vào chùa. Tui vô cùng biết ơn...”.
Chỉ tay vào những đồ đac thau chậu, một vài bao gạo dựng gọn gàng ở góc nhà, bà mỉm cười cho hay: “Nhiều người hảo tâm họ thương nên mang đến cho tui. Tui thật may mắn vì còn được mọi người quan tâm. Vừa rồi hội nghệ sĩ cũng tìm đến cho tui một ít tiền.
Cuộc đời tui nhiều khổ cực rồi, giờ tui chỉ mong viện dưỡng lão nghệ sĩ sẽ duyệt đơn cho tui được vào gửi gắm tuổi già. Để những lúc cuối đời nhớ nghề, tui được cùng những nghệ sĩ khác hát lại những “Người hùng sơn cước, Đêm lạnh chùa hoang, 7 mùa hoa nở...”.