Cả một thời gian dài trước đó, tiếp đến khi QH bước vào chương trình kỳ họp thứ 2, những câu chuyện 'lùm xùm' ở Bô Công thương luôn là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, cũng như bên hành lang hội trường Diên Hồng, ông Trần Tuấn Anh đã nhiều lần trả lời các ĐBQH và phóng viên báo chí những vấn đề liên quan đến ngành mình. Ví như chuyện bổ nhiệm cán bộ của người tiền nhiệm - ông Vũ Huy Hoàng.
Tại phiên chất vấn lần này, theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, các ĐBQH sẽ tập trung chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh các vấn đề như: đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc...
Các ĐBQH cũng sẽ chất vấn về chính sách đột phá phát triển ngành ôtô và các cam kết hội nhập quốc tế; phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ.
Chiều nay, sẽ đến phiên đăng đàn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bộ trưởng sẽ trả lời việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường...
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời về vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xung quanh các vấn đề như tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020...
Trong phiên chất vấn, ngoài các Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính, các Bô trưởng, Trưởng ngành, các Phó thủ tướng cũng sẽ hỗ trợ, trả lời những câu hỏi liên quan đến phần nhiệm vụ của mình.
Sáng 17/11, kết thúc phiên chất vấn sẽ là phần đăng đàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng sẽ trả lời các ĐBQH về những nội dung thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày làm việc trước đó.
Toàn bộ phiên chất vấn của các thành viên chính phủ sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.