Sẵn sàng cung cấp hàng Tết
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm nay, do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân nói riêng, nhu cầu hàng hóa Tết tuy tăng so với các tháng thường, nhưng mức tăng không lớn như mọi năm (các năm trước nguồn hàng chuẩn bị Tết tăng từ 10-15%). Nguồn cung hàng hóa cũng khá phong phú do 10 tháng qua, tình hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thuận lợi, nguồn cung thực phẩm thiết yếu dồi dào.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhận định, trong dịp Tết này, nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ 3-20% theo từng nhóm hàng. Cụ thể, nhu cầu thực phẩm 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây...
Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cũng trong tư thế sẵn sàng nguồn cung hàng trong dịp Tết như: nông sản khô (nhu cầu tăng từ 25-33% so với tháng thường); xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%); hoa, cây cảnh (nhu cầu tăng từ 25-35%)... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị tập trung sản xuất, bảo đảm cao nhất nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn, riêng các DN xuất nhập khẩu chú trọng xây dựng kế hoạch nhập khẩu các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết để đáp ứng khi nguồn cung còn thiếu. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị này có các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức kinh doanh, bảo đảm phòng dịch…
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nhiều nhóm hàng đã được chuẩn bị với số lượng lớn như: 7.488,2 tấn thịt gia cầm, 67,9 triệu quả trứng gia cầm, 1.051,8 tấn thực phẩm chế biến, 5.594,4 tấn thịt gia súc, 1.671,8 tấn dầu ăn, 3.943,2 tấn gạo... Tổng cộng các DN trên địa bàn này chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết khoảng 19.680 tỷ đồng, tăng 3,43% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết năm 2020.
Ngoài ra, 2 thành phố lớn nhất cả nước này vẫn tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn năm 2020 - 2021 và Chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai để chủ động về nguồn hàng, góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết, cũng như cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão, úng ngập những tháng cuối năm 2020.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã có chỉ đạo các địa phương chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, đảm bảo cung ứng nguồn hàng trong mọi tình huống và không xuất hiện hiện tượng khan hàng hóa trong dịp Tết tới đây. Đồng thời, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.
Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (quản lý hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart... đều báo cáo đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300-500% so với bình thường, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cho thị trường trong mọi trường hợp. Ngoài ra, các đơn vị bán lẻ lớn cũng xây dựng phương án bán hàng Tết lưu động cho các vùng trên từng địa bàn.
Cũng theo đại diện của Bộ Công Thương, dù hiện nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nhưng Bộ vẫn yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm kinh doanh thu hút đông người dân tham gia trong dịp Tết. Đồng thời Bộ cũng đã khuyến cáo các DN phân phối lớn cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đẩy mạnh SXKD, kích cầu tiêu dùng, vừa bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch.
Đặc biệt, như hàng năm, Bộ đã đề nghị các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và sau Tết để đảm bảo thị trường không có biến động mạnh trong những ngày cao điểm phục vụ Tết.