TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng cho biết thói quen ăn thịt tái tưởng như bổ dưỡng nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm.
|
Ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm sán rất lớn. |
Tưởng bổ mà hoá hại
Bác sĩ Siêu không thể quên được trường hợp của chị Đặng Thị Thơm, 35 tuổi, một công chức, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM.
Chị Thơm đến khám, cho biết sáng sớm ngủ dậy thấy đáy quần lót có những vật thể nang màu trắng đục. Kiểm tra trên giường chị Thơm cũng thấy những sán như trên rải rác…
“Cô ấy vô cùng hoảng sợ, cho biết đã từng đến tiệm thuốc Tây, miêu tả bệnh, được hướng dẫn mua thuốc tẩy giun về uống nhưng không khỏi”, bác sĩ Siêu kể.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Siêu biết bệnh nhân đã bị nhiễm sán dải bò (Taenia saginata - một loại ký sinh trùng hình dáng dài, dẹt, nang sán nằm trong thớ thịt bò).
Bệnh nhân tâm sự thường ăn phở bò tái mỗi bữa sáng. Như vậy, bệnh nhân bị sán dải bò nằm trong miếng thịt bò tái vẫn chưa chết, theo đường ăn uống thâm nhập vào cơ thể.
Những đoạn màu trắng đục, dẹp mà chị Thơm thấy ở quần lót và trên giường chính là nang chứa hàng trăm ngàn trứng của sán dải bò rơi ra từ hậu môn.
|
Bác sĩ phát hiện dưới da bệnh nhân có nốt đốm trắng như gạo, chính là sán |
Theo bác sĩ Siêu, trường hợp bị nhiễm sán dải bò như chị Thơm không hề hiếm.
Trước đây, khi còn khám bệnh tại khoa khám bệnh - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, trung bình mỗi tuần bác sĩ Siêu gặp ít nhất từ 5 đến 6 bệnh nhân nhiễm sán dải bò.
Điều đáng nói, những bệnh nhân này có cả nam và nữ, đa phần là dân công chức. Nguyên nhân mắc bệnh có điểm chung là đều ăn thịt bò tái.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, sán dải bò hút chất dinh dưỡng để sống. Người nhiễm phải chúng thường xanh xao, suy dinh dưỡng, uể oải.
Sau khi ăn phải thịt bò có sán dải bò khoảng 3 tuần nạn nhân sẽ thấy các triệu chứng như trường hợp của chị Đặng Thị Thơm nói trên.
Bệnh nhiễm sán dải bò không khó chữa nhưng dễ tái phát bởi trứng của chúng từ người nhiễm, vương vãi khắp chăn, màn, chiếu, gối, bàn ghế…
Muốn chữa trị dứt hẳn bệnh nhiễm sán dải bò, bác sĩ phải yêu cầu cả gia đình bệnh nhân phải uống thuốc điều trị đặc hiệu. Chăn, màn, chiếu, gối, quần áo… của cả nhà người bệnh cần được giặt nước sôi trong vòng 2 tuần để giết hết trứng sán.
Ăn thịt heo, sán chui lên não đóng kén
Hiểm họa không chỉ đến từ thịt bò sống mà còn tới từ thịt heo không an toàn bị nhiễm sán dải heo (Taenia solium). Heo có sán dải heo còn gọi là lợn gạo. Những loại heo mọi, heo thả rông do đặc tính thả rông trong môi trường hoang dã là đối tượng dễ nhiễm loại sán này nhất.
Anh Trần Văn Tùng, 43 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn TPHCM là một nạn nhân của sán dải heo vì thói quen thích nhậu.
Thời gian gần đây, thỉnh thoảng anh có triệu chứng nôn ói, nhức đầu.
Gia đình anh Tùng tá hỏa khi biết trong đầu anh có một khối u. Khi phẫu thuật ra, các bác sĩ hết hồn bởi đó là một nang sán (Cysticercus cellulosea).
“Năm 1994, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM tiếp nhận trường hợp bị nang sán đóng u trong đầu y chang như vậy. Bệnh nhân kia bị khối u to bằng quả chanh. Theo dõi nhiều năm không thấy di căn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật và lấy ra được một nang sán dải heo (Cysticercus cellulosea)”, bác sĩ Siêu kể.
Cũng bị nhiễm sán dải heo nhưng nhẹ hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Cúc, 22 tuổi, ngụ tại quận 5.
Chị Cúc đi khám vì xuất hiện nhiều nốt rải rác dưới da vùng cổ và hai cẳng tay như hột đậu xanh.
Hóa ra đó là những nang sán dải heo lâu ngày bị vôi hóa.
Bác sĩ Siêu cho biết, sán dải heo theo đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu, chu du khắp cơ thể. Nếu chúng xuất hiện dưới da còn may bởi chỉ gây mất thẩm mỹ nhưng sợ nhất là sán đi lên não.
Khi theo máu đi vào não, sán dải heo phát triển, có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Theo Vietnamnet