Với vai trò đồng phạm, Nguyễn Hữu Ân (cựu Đội phó Đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ) lĩnh 1 năm 9 tháng tù; Bùi Quốc Khánh (cựu Đội trưởng) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù treo; Võ Chí Linh, Nguyễn Hoàng Em (cán bộ Phòng CSGT An Giang) cùng mức án 1 năm 3 tháng tù treo.
Ngoài hình phạt tù, Quận, Ân và Khánh bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.
HĐXX xác định, trong 9 năm, từ tháng 8/2012 - 6/2021, Quận và 4 cấp dưới vì động cơ cá nhân đã can thiệp phần mềm, giữ và cấp các “biển số đẹp” cho gia đình và người quen "nhằm tạo uy tín cho bản thân" khiến nhiều người dân bị thay đổi biển số.
Để giữ lại “biển đẹp”, nhóm CSGT sẽ tắt màn hình hiển thị kết quả bên ngoài, khi chủ xe bấm biển số. Nếu chủ xe bấm được “biển đẹp” (nằm trong danh sách cần giữ lại), cán bộ sẽ vờ "mạng bị lỗi" rồi yêu cầu bấm lại để lấy biển ngoài danh sách.
Sau đó, cán bộ dùng tài khoản quyền lãnh đạo trên phần mềm (do Quận đưa), chuyển “biển số đẹp” vào "kho" ở trạng thái "chưa hoàn thành". Khi cần cấp “số đẹp” cho chủ xe nào thì CSGT sẽ can thiệp, lấy từ "kho" ra. Bằng cách này nhóm đối tượng cấp sai hơn 4.175 biển số.
Nhóm đối tượng còn lợi dụng chức năng dữ liệu cũ, thay đổi thông tin, lùi thời gian đăng ký (trước 2013, không có hồ sơ thực tế); thay đổi thông tin biển số đã cấp cho cơ quan nhà nước thành biển thường (biển trắng) để cấp theo nhu cầu, tổng cộng 881 biển.
Theo HĐXX, hành vi các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin người dân. Trong đó, Quận bị xác định có vai trò chính, chỉ đạo, giao tài khoản quyền lãnh đạo kèm mật khẩu cho cấp dưới để giữ lại các “số đẹp”, sau đó cấp cho con, bạn bè... Mặc dù bị cáo chỉ thừa nhận giữ lại 80 biển số, song HĐXX xác định Quận phải chịu trách nhiệm toàn bộ 3.657 biển số đã cấp sai từ tài khoản quyền lãnh đạo của bị cáo.