Hết sốt là an toàn?
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. Số ca mắc cả nước so với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp. So với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này cũng tăng tương, khoảng hơn 10.000 ca mắc mới.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào ngày 13/11, trong tuần (từ ngày 4 - 11/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại cả 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.
Từ đầu tháng 8, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), đã bắt đầu có bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, tuy nhiên hiện tượng tăng đột biến bắt đầu từ đầu tháng 10 và đỉnh điểm là đang ở thời điểm này số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám rất đông. Vì vậy, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết được cho về nhà theo dõi và được hẹn tái khám.
Điều này dẫn đến việc nhiều trường hợp mắc sốt xuất khi được điều trị tại nhà thường nghĩ rằng khi đã hết sốt là an toàn. Tuy nhiên, chia sẻ về điều này, ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trưởng đơn nguyên chống dịch của Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Nhiều người có suy nghĩ khi hết sốt tức là đã an toàn, quan niệm này hoàn toàn sai”.
Theo bác sĩ Hường, thông thường sốt xuất huyết từ ngày 1 đến ngày 3 là ngày sốt, là ngày mà chỉ sốt thôi chứ không có nhiều vấn đề biến cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mới là ngày diễn biến nặng của bệnh. Tức là sau khi hết sốt mới bắt đầu có những diễn biến nặng của bệnh.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu là có thể cho bệnh nhân được theo dõi ở nhà. Đến ngày thứ tư buộc phải theo dõi sát của cơ sở y tế. Nếu như bệnh nhân qua từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là hết giai đoạn nặng của bệnh có thể hướng dẫn cho bệnh nhân cách tập luyện chế độ ăn uống và có thể nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe nhà.
“Đến ngày thứ 3 bắt đầu là ngày dự kiến nặng thì chúng tôi xét nghiệm có thể có chỉ định nhập viện, bởi đấy là thời điểm phải theo dõi sát của nhân viên y tế”, bác sĩ Hường cho biết.
Đồng thời, bác sĩ Hường khuyên người bệnh khi phát hiện sốt ở thời điểm này cần phải để cơ sở y tế để thăm khám. “Vì thời điểm này có rất nhiều bệnh có biểu hiện sốt như: COVID-19, sốt xuất huyết, cúm A, cúm B…. Thậm chí bệnh nhân sốt cũng rất giống nhau, có triệu chứng cũng đau mỏi người giống nhau. Do đó, việc đầu tiên sốt là cần phải đi đến cơ sở y tế để khám xem mình sốt do nguyên nhân gì, sau đó sẽ làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Hường nói.
Uống hạ sốt đúng cách và không tự ý truyền dịch
Bên cạnh đó, bác sĩ Hường cũng khuyến cáo người bệnh cần lưu tâm trong việc dùng thuốc hạ sốt. Theo đó, những trường hợp sốt xuất huyết trong những ngày đầu bệnh nhân chỉ là sốt là chính, nếu như trong trường hợp bệnh nhân sốt và đặc biệt là dùng thuốc hạ sốt không cải thiện, khuyến cáo bệnh nhân vẫn phải uống thuốc hạ sốt tuy nhiên liều dùng phải cách nhau từ 4-6 tiếng đồng hồ.
“Bản thân người bệnh khi sốt cao rất mệt mỏi và có thể bệnh nhân không chú trọng đến thời gian uống thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian uống hạ sốt. Bởi nếu uống hạ sốt không đúng theo liều lượng và thời gian có thể khiến men gan của bệnh nhân tăng rất cao, trong khi đó sốt xuất huyết cũng đã làm cho tổn thương men gan. Đã có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng men gan rất cao, cá biệt có bệnh nhân mới chỉ 25 tuổi nhưng men gan trên 3.000 UI/L và có tình trạng rối loạn đông máu”, bác sĩ Hường cho hay.
Chia sẻ thêm về những lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Hường cho biết, tất cả những bệnh nhân bị sốt và đặc biệt là bị sốt virus, sốt xuất huyết thì điều đầu tiên cần phải lưu tâm là chế độ ăn uống, tức là phải tăng cường các loại dinh dưỡng. Thứ hai là uống các loại nước hoa quả. Thứ ba là không khuyến cáo việc truyền dịch tại nhà. Khi bệnh nhân sốt, trước tiên nên cho bệnh nhân uống oresol để bù nước, nếu bệnh nhân không uống được thì cần phải đến cơ sở y tế. Vì việc truyền dịch rất quan trọng, ví dụ như người già có bệnh nền thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được đánh giá xem tình trạng bệnh nhân mới được truyền nước.