Trong dòng chảy của lịch sử
Nói về lịch sử của cư dân Sài Gòn, có lẽ không gì khác ngoài những cuộc di cư trong dòng chảy lịch sử. Quay ngược thời gian, phải trở về với thời điểm thành Gia Định trù phú đón cư dân “đàng ngoài” vào sinh sống. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết khoảng năm 1820, có mô tả: “Vùng Gia Định nước Việt Nam, đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời, Người tứ xứ, nhà nào tục nấy. Đất thuộc sao Dương Châu, gần mặt trời, khí hậu nóng bức, nên người Gia Định trọng tiết nghĩa...”.
Sách Phủ biên tập lục của Lê Quý Đôn cho biết chúa Nguyễn đã chiêu mộ người từ xứ Quảng Nam, xa hơn là Trung và Bắc Trung bộ đến khẩn hoang lập ấp. Buổi ban đầu, cư dân tứ xứ đến Gia Định có đủ các thành phần: Thương nhân đi tìm kiếm cơ hội khuếch trương buôn bán, nông dân nghèo đói vì mất đất, mất mùa vì chiến tranh, thợ thủ công, binh lính đồn trú, quan lại được bổ nhiệm, những tội nhân bị lưu đày, cả những tội phạm trốn tránh truy nã và cả những kẻ du đãng...
Cho đến sau khi thực dân Pháp chiếm được thành Gia Định, bắt tay ngay vào xây dựng Sài Gòn như một trung tâm của ba tỉnh miền Đông. Khoảng 5 năm sau, Sài Gòn chính thức trở thành thủ phủ của cả Nam Kỳ lục tỉnh, trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Để rồi từ đó là các cuộc di dân triền miên đổ từ tứ xứ về Sài Gòn. Từ những người Hoa thế kỷ XIX, sang Việt Nam theo các đợt tuyển mộ phu đồn điền của người Pháp và được người Pháp tạo điều kiện cho vào định cư ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Rồi lớp lớp những người Hoa từ Quảng Đông sang lánh nạn khi đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Trung Hoa, người Hoa chạy sang Việt Nam khi Quốc dân Đảng thua ở lục địa...
Thế kỉ 20, Sài Gòn lại đón nhận cư dân phương xa ồ ạt kéo đến qua các biến thiên của lịch sử. Từ cuộc di cư của giáo dân 1954, cuộc nhập cư từ phía Bắc, Trung thời điểm sau năm 1975. Từ sau 1975 đến nay, Sài Gòn hàng năm vẫn là người đến thì nhiều, người đi thì ít.
Năm 1698, khi mới được thành lập về mặt hành chính, địa bàn Sài Gòn lúc ấy (với diện tích 50km2) có khoảng 10.000 dân. Đến năm 1863, tức là sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, cả Sài Gòn - Chợ Lớn mới có khoảng 20.000 dân. Cho đến ngày nay, thống kê mới nhất là trên 9 triệu người, tức tăng gần 1.000 lần, chỉ trong hơn 300 năm. Mà con số đột biến này không phải đến từ sự tăng dân số tại chỗ, phần nhiều là do lượng người nhập cư từ nơi khác đến Sài Gòn.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm TP HCM tăng thêm khoảng 200.000 người. Trong số đó, có 2/3 là người dân nhập cư. Nhưng đó chỉ là còn số chính thức, được đăng kí trên giấy tờ. Số người đến ở, không tạm trú, không một có tên trong danh sách “cư dân thành phố” có lẽ sẽ khiến con số này tăng đáng kể.
Có rất nhiều thành phố có điều kiện thuật lợi, phát triển kinh tế mạnh, là trung tâm của khu vực, nhưng tại sao riêng Sài Gòn lại có sức hút đến thế đối với người dân ở khắp nơi trong suốt những thế kỉ qua? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần quay lại đoạn mô tả trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức đã nhận định rằng, mảnh đất này đất đai rộng rãi, khí hậu ôn hòa, lương thực nhiều, và “trọng tiết nghĩa”.
Nhiều người so sánh tính chất sự di dân của dân tứ xứ đến Hà Nội, đến Đà Nẵng và đến Sài Gòn, để thấy rằng cái tính chất “mở” của Sài Gòn là một trong những đặc điểm lớn để thu hút sự nhập cư. Sài Gòn đủ tình nghĩa nhưng cũng đủ thờ ơ. Sài Gòn, ngoài vị trí địa lý thì những thay đổi của lịch sử đã khiến thành phố này từ xa xưa vốn quen với sự tiếp nhận cái mới, con người mới. Sài Gòn mở lòng để bao dung, đón nhận tất cả những người nơi khác đến nương nhờ mình. Ở Sài Gòn, ai cũng tìm được cho mình một vị trí riêng để mưu sinh, để sống. Làm giàu thì còn tùy vào số phận, vào công việc và nỗ lực của mỗi người, nhưng để có miếng ăn, với Sài Gòn, không khó...
Những người tạo nên nhịp đập Sài Gòn
Sống trong một con hẻm gần chợ Thị Nghè, một khu vực lâu đời của Sài Gòn, ông Dương Minh Tâm, 58 tuổi bảo, nếu hỏi ông là dân “Sài Gòn gốc” hay dân nhập cư, ông thật khó để mà trả lời. Ông nội ông vốn là người Quảng Nam, đi lính cho người Pháp, sau đó giải ngũ, về khu chợ Thị Nghè mở một quán bán cháo sống qua ngày. Ông kết hôn với bà nội ông, một phụ nữ người Hoa gốc chợ Lớn, đã di dân đến Sài Gòn từ hơn trăm năm trước.
Bản thân cha ông rồi đến ông đều kế tục nghề buôn bán hàng quán từ ông nội. Con trai và con gái ông, người thì làm công nhân trong khu chế xuất Tân Bình, người thì làm phiên dịch tiếng Hoa cho một công ty Đài Loan tại Việt Nam. Những năm qua, ông và em trai vẫn thường về nguyên quán ở Quảng Nam vì dòng họ ngoài ấy còn nhiều. “Có lẽ tôi là “một nửa Sài Gòn”. Nhưng có hề gì dân gốc hay nhập cư. Tôi cũng như những anh em trọ trong xóm nhà mình, căn bản chẳng có gì khác nhau. Sống ở đây cả đời, nửa đời, mình yêu thương, gắn bó, biết ơn và cống hiến cho thành phố này, vậy cũng là người Sài Gòn thôi”, ông Tâm bày tỏ.
Những người lao động nhập cư đã góp phần kiến tạo, xây dựng và gìn giữ nên Sài Gòn tươi đẹp. |
Từ những con hẻm chi chít, ngoằn ngoèo cho đến mặt đường sáng láng trung tâm đô thị, có không biết bao nhiêu người từ phương khác đến Sài Gòn sinh sống, buôn bán. Người nhập cư - họ trở thành những lãnh đạo các ban, ngành trong thành phố, trở thành những doanh nhân thành đạt có khởi điểm chân quê, gốc rạ, những bác sĩ danh tiếng đầu ngành, từng xuất thân từ cậu học trò nghèo vượt khó từ miền quê ra thành phố học y. Những kiến trúc sư, kĩ sư công nghệ, kĩ sư các chuyên ngành... đã góp phần kiến tạo nên thành phố, những giáo viên đang ngày đêm vất vả trong sự nghiệp trồng người...
Người nhập cư, họ cũng là những người công nhân sản xuất ra những nhu yếu phẩm, đồ dùng cho cả thành phố này và những thành phố khác. Là những công nhân vệ sinh môi trường làm sạch đẹp thành phố hàng ngày, người giao hàng, người thợ sửa xe ở góc phố, người bán hàng rong, bán vé số...
Những người ấy ngày ngày đêm đêm lao động góp phần tạo nên một thành phố sinh động, đa dạng, đủ đầy, “cần gì có nấy”. Cũng chính những người nhập cư ấy, trong thời gian dịch bệnh, đã cùng với những cư dân thành phố kêu gọi nhau giúp đỡ, đã hỗ trợ lẫn nhau, cứu hộ người nghèo...
Ở Sài Gòn, khó mà nói đâu là “Sài Gòn gốc”, đâu là người nhập cư, bởi người “Sài Gòn gốc” nào cũng có khởi nguồn từ những dòng người di dân từ thế kỉ trước đến nay, cũng từng có một cố hương của ông bà, tổ tiên. Và người nhập cư nào, sau những năm tháng sống, gắn bó với Sài Gòn cũng đã trở thành một phần của thành phố.
Người ta nói, Sài Gòn mở rộng vòng tay, nuôi nấng những phận người tha hương. Nhưng, ở một khía cạnh khác, Sài Gòn rất cần, không thể thiếu những con người tứ xứ đang sống, gắn bó, tạo nên nhịp đập của thành phố từng ngày.
Những ngày qua, những dòng người từ Sài Gòn ùn ùn đổ về quê hương khiến người chứng kiến nghẹn ngào. Phải đau đớn và bất lực lắm, người ta mới lựa chọn hồi hương, xa cái thành phố đã nuôi nấng, đã trở thành một phần máu thịt của mình.
Trong một buổi lễ đưa người dân trên địa bàn quận về quê hương Bến Tre, lãnh đạo quận Bình Tân đã bày tỏ, rằng sau dịch sẽ đón người lao động trở lại Sài Gòn sinh sống. Bình Tân, cũng như nhiều quận khác trên địa bàn thành phố, hiểu rằng Sài Gòn không thể trở lại bình thường, như xưa nếu thiếu đi những lao động nhập cư.
Giờ đây, thành phố đã lên tiếng, khẳng định mọi người dân địa phương khác ở lại Sài Gòn sẽ được hỗ trợ hết lòng, được tiêm vắc xin phòng ngừa dịch. Đó là nỗ lực của thành phố để giữ người, để bày tỏ lòng tri ân và nghĩa tình với nhau.
Và Sài Gòn vẫn đợi, qua dịch, bình yên, những dòng người sẽ quay trở về.