Cây hương giáng còn có tên gọi khác là hăng giáng, săng giáng... là loại cây gỗ nhỡ, phân bố rải rác hoặc mọc thành cụm trên sườn núi đá vôi khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Ông Đoàn Thanh Bình – cán bộ pháp chế – thanh tra của Hạt Kiểm lâm VQG này cho biết: “Loài cây này hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học và không có trong bảng phân loại nhóm gỗ. Gỗ hương giáng có mùi thơm nhẹ, bền, chắc, dễ cháy…”.
“Thực tế trước đây, người dân chỉ dùng gỗ hương giáng để làm củi đun, trụ trồng cây hồ tiêu hoặc xông nhà. Nhưng theo đồn thổi của các thương lái, loại gỗ này có thể trừ tà, trừ ma, hợp phong thủy, đem lại may mắn cho người sử dụng nên xảy ra tình trạng người dân các địa phương kéo nhau vào các khu vực vùng đệm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng lùng tìm khai thác và bán cho thương lái”, ông Bình thông tin thêm.
Theo giá trị hiện tại trên thị trường, một gốc hương giáng dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hàng chục triệu, tùy thuộc vào mức độ xấu, đẹp. Nhiều người dân hám lợi đã lén lút vào các khu vực rừng Phong Nha, mà chủ yếu là khu vực vùng rừng đệm giáp ranh với lâm phận vườn để khai thác hương giáng.
Tình hình này tạo ra nguy cơ cạn kiện loại cây này ở các khu vực vùng đệm, ngoại trừ vùng lõi của vườn và gây áp lực nhất định đến công tác quản lý, bảo vệ rừng VQG. Hiện nay gỗ hương giáng đang được bán tập trung chủ yếu tại khu vực Troóc của xã Phúc Trạch với hình thức lén lút, khá tinh vi.
Trước tình hình này, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tổ chức nhiều đợt tuần tra bảo vệ và truy quét lâm tặc. Lực lượng đã phát hiện, ngặn chặn và lập hồ sơ xử lý 15 vụ khai thác, vận chuyển hương giáng, tịch thu được 969kg gỗ hương giáng. Cụ thể, có 3 vụ lâm tặc khai thác hương giáng trong lâm phận VQG với mức độ nhỏ lẻ và 12 vụ vận chuyển trên địa bàn vùng đệm.
Trả lời PLVN, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cho biết: “Hiện tại, Ban Quản lý Vườn đã gửi công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân không khai thác trái phép hương giáng; đồng thời kiểm soát, ngăn chặn chấm dứt tình trạng khai thác, mua bán, sử dụng gỗ hương giáng trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm hỗ trợ xác định tên khoa học của loài cũng như phân loại nhóm gỗ để làm cơ sở bảo tồn và ra các quyết định xử phạt các hành vi vi phạm đối với sản phẩm của loại cây giáng hương này”.
Cũng theo ông Tịnh, do đến nay vẫn chưa xác định được tên loài cây, nhóm gỗ của hương giáng đã gây nhiều trở ngại trong trong việc xử lý hành vi vi phạm, việc khai thác chủ yếu sử dụng công cụ thủ công, người dân nghèo vi phạm nên không đảm bảo được việc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.