Trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 11/12/2017 trên sàn CBOE Futures Exchange, Hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin đã tăng vượt ngưỡng 17.000 USD.
Bùng nổ
Các hợp đồng Bitcoin đáo hạn vào tháng 1/2018 đã được mở bán chính thức ở mức giá 15.460 USD trên sàn CBOE, New York, vào ngày 10/12. Sau 1 giờ 15 phút giao dịch đầu tiên, giá hợp đồng này tăng 340 USD lên 15.800 USD trước khi tiếp tục “leo” lên mức 17.170 USD trong suốt giờ giao dịch châu Á trong phiên sáng 11/12.
Mức giá cập nhật nhất của hợp đồng này là 17.120 USD, cao hơn 1.000 USD so với giá đồng Bitcoin tại Sàn giao dịch Gemini. Bob Fitzsimmons, nhà quản lý hợp đồng tương lai tại Wedbush Securities cho biết tại thời điểm mở phiên, hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin được giao dịch “êm ả và ổn định” với khoảng 1.000 giao dịch được thực hiện trong hai giờ giao dịch đầu tiên (theo số liệu của sàn CBOE).
Việc hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn giao dịch toàn cầu đầu tiên là cột mốc quan trọng đối với loại tiền số gây nhiều tranh cãi này, cũng là cơ hội đầu tiên để các nhà giao dịch chuyên nghiệp đầu tư vào đồng Bitcoin. Mặc dù vậy, nhà bình luận tài chính Jim Cramer cảnh báo giá hợp đồng này có thể giảm một khi các điểm giao dịch mới cho phép hoạt động bán khống - nghiệp vụ đặt cược giá hợp đồng đi xuống.
Kể từ đầu năm tới nay, giá trị của đồng Bitcoin so với đồng USD đã tăng lên 20 lần từ mức thấp 752 USD đổi 1 Bitcoin hồi giữa tháng 1/2017. Sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với Bitcoin ngày càng lên cao sau khi hai sàn giao dịch CME Group Inc và CFE được phép tiến hành giao dịch hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin.
Giá trị vốn hóa của đồng Bitcoin hiện đã tăng lên gần 305 tỷ USD, vượt qua giá trị thị trường của Wal-Mart Stores Inc đạt khoảng 288 tỷ USD, theo trang giao dịch Coinmarketcap. Nếu giữ nguyên đà tăng trưởng này trong năm 2018, tổng giá trị thị trường của Bitcoin có thể đạt 1.500 tỷ USD, cao hơn tất cả các công ty trên thế giới.
Đồng tiền tự do…
Vậy, bitcoin là gì mà khiến cả thế giới đảo điên đến vậy? Những ngày qua giới truyền thông đề cập nhiều đến bitcoin. Người ta chỉ biết đó là một đồng tiền ảo, tiền điện tử, nhưng không hiểu rõ lợi ích của đồng tiền này trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, bitcoin còn là một công cụ để đầu cơ. Do đó, “bong bóng” đầu cơ đồng tiền ảo này luôn có nguy cơ nổ tung. Theo tờ Les Echos, sự ra đời của đồng bitcoin vào năm 2009 không phải là ngẫu nhiên, tình cờ.
Vào thời điểm bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người lấy tên là Satoshi Nakamoto, thì hệ thống ngân hàng thế giới bị mất uy tín với các vụ mua bán chứng khoán nợ thế chấp dưới chuẩn và vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Chính phủ nhiều nước lao vào cứu các cơ sở tài chính. Ngân hàng trung ương các nước tung tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính quốc tế để tránh tái diễn một cuộc đại suy thoái như trong những năm 30 của thế kỷ trước.
Các cơ quan quản lý quốc tế và quốc gia tiến hành một chính sách tạm gọi là “trấn áp tài chính” để cố kìm giữ gánh nặng nợ công không ngừng tăng vọt. Đồng bitcoin ra đời nhằm chống lại trật tự tiền tệ này, trong trào lưu phản đối các quyền lực chính trị và ngân hàng, bị đánh giá là không đủ khả năng quản lý một đồng tiền lành mạnh, có chất lượng.
Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào. Giá trị của bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt, bởi các quy định liên quan đến bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch. Cụ thể là có một thuật toán để tính toán việc phát hành bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140.
Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu bitcoin được lưu hành. Trong khối lượng tiền ảo này, các bitcoin không giống nhau, mỗi bitcoin là duy nhất. Danh sách các chủ sở hữu của đồng tiền ảo được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh. Đồng bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi trên thế giới và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch ngân hàng… Điều cơ bản của hệ thống đồng tiền ảo là gạt bỏ được mọi chính sách độc đoán của nhà nước, giá trị của bitcoins được xác định bằng việc người ta muốn mua và bán nó ở mức giá nào.
Hợp đồng tương lai cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào giá của cái gì đó vào một ngày trong tương lai. Các nhà đầu tư nay có thể đặt cược vào bitcoin tăng hoặc giảm giá mà không thực sự sở hữu chúng. Hợp đồng tương lai thường dựa trên giá của một loại hàng hóa thực sự - chẳng hạn như dầu. Một trong những khía cạnh gây tranh cãi của bitcoin là một số người không coi đây là một “thứ gì đó”.
Nick Colas, từ hãng nghiên cứu Data Trek, cho biết việc niêm yết hợp đồng tương lai đã cho bitcoin “tính hợp pháp và công nhận rằng đây là một tài sản người ta có thể buôn bán”. Chris Ralph, Giám đốc đầu tư tại St James’s Place nói với chương trình Today của BBC rằng ông vẫn cẩn trọng về đồng tiền này: “Tôi không muốn dùng từ hợp pháp, nhưng có thể nó đã chuyển từ bóng tối ra ánh sáng”, ông nói.
… hay công cụ rửa tiền bẩn?
Trong khi đó, theo nhận định của các kinh tế gia Odile Lakomski-Laguerre và Ludovic Desmedt, được Les Echos trích dẫn, để hệ thống đồng tiền ảo có thể tồn tại lâu dài thì cần phải có sự chấp nhận của nhiều người.
Ban đầu, bitcoin chỉ là thu hút sự tò mò của những người ưa chuộng các thiết bị điện tử tiện ích, phù phiếm. Sau đó, đồng tiền ảo này quyến rũ được cộng đồng những người chủ trương đề cao tự do cá nhân, ghét bỏ mọi hình thức can thiệp của nhà nước hoặc những cơ chế quản lý của nhà nước, đề cao tính chính đáng của máy tính và các ứng dụng hơn là sự thông minh của con người.
Những người ủng hộ bitcoin cuồng nhiệt đang có mơ ước thầm kín đó là đồng tiền ảo thông báo sự ra đời một trật tự mới trong lĩnh vực tiền tệ và kinh tế. Theo phân tích của Les Echos, đồng tiền này có thể bị bóp chết hoặc bị ngăn chặn. Theo thời giá hiện nay, tổng giá trị bitcoin trên toàn thế giới lên tới khoảng 160 tỷ USD, tương đương với giá trị tập đoàn CocaCola, nhưng chỉ là một giọt nước so với 80.000 tỷ USD trong thanh khoản toàn thế giới.
Chính vì thế, đến nay, các nhà nước, ngân hàng và những cơ quan quản lý tài chính quốc tế vẫn chưa quan tâm đến “vật thể lạ” này. Khi bitcoin có giá trị hơn, khi mọi người có thể dùng đồng tiền ảo này để mua bán - tức là đe dọa quyền lực của nhà nước, thì các chính phủ sẽ để mắt đến bitcoin và tìm cách xoá bỏ đồng tiền này.
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, báo Le Monde có bài “Bitcoin, củ giống hoa tuy líp phiên bản 2.0”. Vào giữa thế kỷ 17, trong vòng ba năm, làn sóng đầu cơ đã làm giá củ giống hoa tuy líp Semper Augustus tăng 5.900%. Cũng trong thời gian 3 năm, giá bitcoin đã tăng 3.300% và có thể còn tăng nữa.
Theo Le Monde, không nên nhìn vào làn sóng đầu cơ hiện nay mà vội vã kết luận rằng bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thay thế. Trước tiên, giá trị của bitcoin cũng chao đảo, lên xuống thất thường như mọi đồng tiền khác. Thứ hai việc giao dịch mua bán bitcoin chậm và rất tốn năng lượng. Một giao dịch mua bán bitcoin trên máy tính tiêu thụ điện bằng một hộ gia đình Mỹ trong cả tuần. Bên cạnh đó, còn có rủi ro mất tiền nếu như bất thình lình máy tính hỏng hoặc bị virus tấn công.
Tuy nhiên, bitcoin đang trở thành một dạng tài sản bị đầu cơ. Chicago Mercantile Exchange (CME) - chuyên mua bán hợp đồng giao hàng có thời hạn - vào ngày 18/12 tới sẽ tung ra loại hợp đồng thanh toán bằng bitcoin. Do vậy, đã đến lúc chính quyền, ngân hàng trung ương các nước quan tâm đến đồng tiền ảo này, nhất là việc bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền bẩn.
Tân Phó Chủ tịch FED phụ trách giám sát Quarles cho rằng sự khác biệt lớn giữa tiền tệ truyền thống và tiền điện tử là sự đảm bảo của nó. Theo ông, các loại tiền điện tử hoặc tài sản cùng loại trong một hệ thống nào đó không được “hậu thuẫn” bởi các tài sản đảm bảo khác, không có giá trị cố hữu, không được bất kỳ thể chế tài chính nào đảm bảo về tính pháp lý. Vị quan chức của FED cho rằng việc sử dụng tiền điện tử một cách có kiểm soát sẽ không gây ra những mối quan ngại lớn, song sự ổn định của nền tài chính có thể bị đe dọa nếu như người sở hữu gia tăng đầu cơ loại tiền ảo này, dẫn tới tình trạng bong bóng tiền điện tử. Hệ thống tài chính cũng sẽ gặp thách thức lớn nếu trong trường hợp rủi ro các loại tiền điện tử không thể thiết lập một tỷ giá hối đoái ổn định với đồng USD.
Với những rủi ro tiềm ẩn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ các nước vẫn cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường tiền ảo này.