Nguyên nhân là do quy định của Chính phủ Mỹ cấm hành khách mang laptop, máy tính bảng trong hành lý xách tay trên các chuyến bay xuất phát từ 10 sân bay trong khu vực tới lãnh thổ Mỹ.
Hệ quả xấu
Trong một báo cáo công bố ngày 8/7, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, việc số lượng hành khách lựa chọn dịch vụ hàng không lại Trung Đông giảm là hệ quả của lệnh cấm mang thiết bị điện tử cầm tay lớn (PEDS) lên khoang hành khách máy bay. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nêu trên đối với các hãng Etihad, Emirates và Turkish Airlines khi các hãng này đáp ứng được các quy định mới mà Mỹ áp đặt hồi tháng 3 vừa qua đối với các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ từ 10 sân bay tại 8 quốc gia gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ai Cập, Jordan, Kuwait, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc.
Tuy vậy ngày 9/7, Giám đốc điều hành của Royal Jordanian Airlines, Stefan Pichler cho biết, từ nay, các hành khách của hãng này từ sân bay quốc tế Queen Alia ở thủ đô Amman đến Mỹ có thể sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trên máy bay. Theo quan chức trên, các biện pháp tăng cường an ninh đã được thực thi để đáp ứng các yêu cầu của Bộ An ninh nội địa Mỹ trong bản hướng dẫn an ninh mới đối với tất cả chuyến bay đến Mỹ.
Lo mất an ninh hàng không
Từ tháng 3 năm nay, Mỹ đã siết chặt quy định an toàn hàng không, cấm tất cả các thiết bị điện tử kích cỡ lớn hơn điện thoại di động được mang lên khoang hành khách trong các chuyến bay thẳng đến Mỹ từ 10 sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Bắc Phi. Lệnh cấm trên được thực hiện sau khi giới chức tình báo Mỹ thu được thông tin các phần tử khủng bố của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đang tìm cách chế tạo một quả bom được ngụy trang thành một thiết bị điện tử cá nhân.
Với lý do tương tự, Anh cũng đưa ra lệnh cấm laptop và máy tính bảng trên những chuyến bay trực tiếp từ 6 nước. Đi kèm với thông báo áp dụng các quy định an ninh hàng không mới nghiêm ngặt hơn, giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại về mối nguy cơ khủng bố ngày một nguy hiểm mà ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi các nước triển khai các biện pháp an ninh toàn diện và hiệu quả.
Quy định an ninh hàng không mới của Bộ An ninh Nội địa Mỹ ban hành đối với khoảng 180 hãng hàng không của 105 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, có các chuyến bay thương mại vào Mỹ, tương đương khoảng 2.000 chuyến bay mỗi ngày chở khoảng 325.000 hành khách. Các hãng này được yêu cầu thực hiện một loạt các biện pháp an ninh mới, bao gồm cài đặt công nghệ rà quét hiện đại, tăng cường sử dụng chó nghiệp vụ cùng một số biện pháp khác. Tuy nhiên, mức độ áp dụng sẽ phụ thuộc vào từng hãng hàng không, sân bay mà chuyến bay khởi hành và mức độ an ninh hiện tại.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cũng cho biết Washington sẽ yêu cầu ban quản lý các sân bay nước ngoài chấp nhận cho phép nhân viên Tuần tra Biên giới và Hải quan Mỹ kiểm tra người di cư trước khi họ lên máy bay tới Mỹ. Chương trình này đã được áp dụng tại 15 sân bay tại các nước bao gồm Canada, Ireland và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...