Báo cáo một số vấn đề về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, liên quan đến vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), Luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Theo ông Bình, về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn Giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.
Cho ý kiến về 2 phương án đề xuất trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua tổng hợp ý kiến của cử tri cho thấy, nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà tỷ lệ đỗ lên 98%, thì “việc tổ chức kỳ thi tốn kém, nên chăng ta chỉ xét tốt nghiệp THPT thôi? Nhưng sẽ lại đặt ra vấn đề chất lượng của việc dạy và học của giáo viên và học sinh “sẽ vẫn tốt như thi không?”. Lúc này bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì người dân rất ủng hộ.
Từ những phân tích trên, bà Hải nghiêng về phương án 1, đó là vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT. “Tôi cho rằng cần thận trọng cân nhắc và lấy ý kiến rộng rãi của người dân để xây dựng luật, đặc biệt trong thi tốt nghiệp THPT thời gian tới”, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu băn khoăn việc thay đổi liên tục thi cử, năm nay khác, năm sau khác khiến bản thân học sinh và gia đình học sinh rất khó khăn, vất vả. “Tôi thấy từ kỳ thi năm nay, ta cần tiếp tục tổng kết, tiếp tục đánh giá rồi nghiên cứu lại các kỳ thi trước, tham khảo kinh nghiệm các nước để chọn ra cách ổn định cho việc thi cử, chứ thay đổi thường xuyên thì chưa phải là tốt”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.
Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều ý kiến nhất trí quy định về ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là Ngày Quốc khánh (2/9) hoặc Ngày Tết Nguyên đán hoặc Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành. Do vậy, cần giữ ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể thực hiện đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.