Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Không điều động những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút
Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn, cũng như ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen..., việc thực hiện Quy định này góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước.
Quyết định nêu rõ, công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết). Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời có quy định quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển. Việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.
Phải kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ…
Không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp
Cũng theo Quy định trên, cán bộ luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực và triển vọng phát triển; về cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí chức danh luân chuyển theo quy định; có quy hoạch, có trình độ chuyên môn, đủ sức khoẻ công tác; còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định).
Cán bộ luân chuyển để bố trí không phải người địa phương, không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Quy định, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc phạm vi quản lý. Kế hoạch phải làm rõ các nội dung cơ bản: nhu cầu, vị trí luân chuyển; hình thức luân chuyển; địa bàn luân chuyển; thời hạn luân chuyển; cơ chế, chính sách cần thiết bảo đảm thực hiện; dự kiến phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển... Trên cơ sở kế hoạch, lập danh sách cán bộ luân chuyển và nêu biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng cán bộ...