Quy định cần lưu ý về Thừa phát lại

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Kể từ ngày 24/2/2020, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có hiệu lực pháp luật, quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại và các vấn đề liên quan khác.

Thừa phát lại là ai?

Theo Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. 

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại được nêu tại Điều 6 Nghị định, theo đó, để được xét bổ nhiệm Thừa phát lại, một người phải đáp ứng các điều kiện: Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

Người muốn bổ nhiệm Thừa phát lại phải tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Nghị định này và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Miễn đào tạo nghề Thừa phát lại đối với người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự. Tuy nhiên, những người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp. 

Đeo thẻ, mặc đồng phục khi hành nghề

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan, được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Bên cạnh đó, Thừa phát lại được xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, được tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Thừa phát lại phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, mặc trang phục Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, đeo thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.

Thẻ Thừa phát lại là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề của Thừa phát lại. Thừa phát lại chỉ được hành nghề sau khi được đăng ký hành nghề và cấp Thẻ. Quy định về cấp thẻ Thừa phát lại được quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Nghị định cũng quy định 5 nhóm việc là Thừa phát lại không được làm. Một là, không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; không được sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Hai là, không được đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Ba là, không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Bốn là, trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Thừa phát lại cũng không được làm các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Không bổ nhiệm công chức, viên chức bị kỉ luật 

Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định 8 trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại. Thứ nhất, là người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự. Thứ hai, người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.

Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân cũng không được bổ nhiệm Thừa phát lại. Những người này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành cũng không được bổ nhiệm Thừa phát lại.

Không bổ nhiệm Thừa phát lại đối với người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

Không bổ nhiệm Thừa phát lại đối với người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

Các nhóm đối tượng sau đây cũng không được bổ nhiệm Thừa phát lại: Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Vi bằng không thay thế văn bản công chứng

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại Nghị định này.

Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính. 

Các trường hợp không được lập vi bằng

Bên cạnh các trường hợp Thừa phát lại không được làm quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này, Thừa phát lại còn không được lập vi bằng trong các trường hợp sau:

- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực, xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

(Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại)

Đọc thêm

Đề xuất các hình thức, biện pháp cứu trợ, hỗ trợ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra

Đề xuất các hình thức, biện pháp cứu trợ, hỗ trợ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra. (Ảnh: qdnd.vn)
(PLVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ TNGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT); trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định dựng lại hiện trường vụ TNGT đường bộ và giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính.

Từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Theo quy định mới tại Thông tư số 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an về quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, kể từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát.

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) -  Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin; áp dụng nhiều quy định về khuyến mại; hướng dẫn định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024.

Miễn thu phí đi phà loạt đối tượng từ 1/1/2025

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Theo thông tư số 33/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải mới ban hành, kể từ 1/1/2025, có 12 đối tượng sẽ được miễn phí tiền sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Quy định mới về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng: Một số doanh nghiệp cho rằng cần thêm khoảng thời gian phù hợp để chuẩn bị

DN ủng hộ việc tăng cường quản lý để phát triển bền vững thị trường VLXD, nhưng đề xuất có lộ trình phù hợp. (Ảnh: Thanh Thanh)
(PLVN) - Ủng hộ việc tăng cường quản lý nhà nước để phát triển bền vững, ổn định thị trường vật liệu xây dựng (VLXD), song một số doanh nghiệp (DN) cho rằng quy định của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ 16/12/2024 là hơi gấp gáp, DN nêu ý kiến cần thêm thời gian để chuẩn bị; do thực hiện chứng nhận hợp quy đối với hàng nhập khẩu phải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian.

Tiêu chuẩn khám sức khoẻ lái xe từ năm 2025

Ảnh minh hoạ
(PLVN) - Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 36 ngày 16/11/2024 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.