Quân đội Myanmar nắm chính quyền, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm

Bà Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi.
(PLVN) - Sau các cuộc đột kích vào sáng sớm hôm nay – 1/2 bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng với các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

Reuters cho biết, theo một tuyên bố trên đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội, quân đội nước này cho biết họ đã tiến hành bắt giữ để đối phó với "gian lận bầu cử", giao quyền lực cho thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Tân Hoa xã ngày 1/2 đưa tin quân đội Myanmar thông báo cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc.

Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.

Các tướng lĩnh đã hành động chỉ vài giờ trước khi Quốc hội họp phiên đầu tiên sau bầu cử tháng 11/2020 mang đến chiến thắng vang dội cho đảng NLD.

Các đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw và trung tâm thương mại chính của Yangon đều không liên lạc được và truyền hình nhà nước đã tắt sóng. Mọi người đổ xô đến các khu chợ ở Yangon để tích trữ thực phẩm và vật dụng trong khi những người khác xếp hàng dài tại các cây ATM để rút tiền mặt.

Người dân cho biết các binh sĩ đã chiếm giữ các vị trí tại tòa thị chính ở Yangon. Dịch vụ internet và điện thoại bị gián đoạn. 

Bà Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và các nhà lãnh đạo NLD khác đã bị "bắt" vào đầu giờ sáng, phát ngôn viên đảng NLD Myo Nyunt nói với Reuters qua điện thoại.

“Tôi muốn nói với người dân của chúng tôi rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo pháp luật,” ông nói và cho biết thêm rằng chính ông có thể sẽ bị bắt. 

Binh sĩ Myanmar trong Tòa thị chính Yangun, Myanmar. Ảnh: Reuters.
 Binh sĩ Myanmar trong Tòa thị chính Yangun, Myanmar. Ảnh: Reuters.

Các vụ giam giữ xảy ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau cuộc bầu cử.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ bắt giữ và Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi thả các nhà lãnh đạo.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án việc giam giữ bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác, đồng thời “kêu gọi giới lãnh đạo quân đội tôn trọng ý chí của người dân Myanmar”, một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết.

Chính phủ Australia cho biết họ "quan ngại sâu sắc trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar".

Nhật Bản cho biết họ đang theo dõi tình hình và không có kế hoạch hồi hương các công dân Nhật Bản từ Myanmar, trong khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính.

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình đang diễn ra ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên cùng hướng tới một kết quả hòa bình.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.