Lãnh đạo các nước chia sẻ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp Biển Đông

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự hội nghị.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự hội nghị.
(PLVN) - Ngày 26/10, tại Thủ đô Baku, Azerbaijan, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp tục tham dự các Phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết (KLK). 

Tại Hội nghị, Lãnh đạo và đại diện các quốc gia thành viên đề cao vai trò và giá trị của Phong trào KLK, với tư cách là tập hợp chính trị lớn nhất của các nước đang phát triển, trong việc bảo vệ lợi ích, gia tăng tiếng nói của các nước nhỏ và vừa trong chính trị quốc tế, thúc đẩy xây dựng trật tự kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế bình đẳng, dân chủ hơn. 

Các nước bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp và những khó khăn to lớn Phong trào KLK đang đối mặt, nhất là những thách thức hiện nay đối với chủ nghĩa đa phương, cạnh tranh giữa các nước lớn, cọ xát lợi ích giữa các thành viên Phong trào, cũng như nhiều xung đột, tranh chấp ở các khu vực như Syria, Yemen… diễn biến khó lường. 

Để phát huy vai trò và vị thế vốn có của Phong trào, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh Phong trào KLK cần trung thành với các nguyên tắc nền tảng của KLK, trong đó có các nguyên tắc Bandung và có những bước đi cần thiết để cải tổ, đổi mới, nhất là phương pháp làm việc nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất trên các vấn đề KLK quan tâm, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình và phát triển, phấn đấu vì một trật tự thế giới dân chủ, bình đẳng hơn cho các nước đang phát triển. 

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên KLK đã thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Văn kiện Cuối cùng Hội nghị Cấp cao, Tuyên bố Baku, Tuyên bố về vấn đề Palestine và Thông điệp cảm ơn và Đoàn kết đối với Chính phủ và Nhân dân Azerbaijan. 

Các văn kiện Hội nghị tái khẳng định giá trị và tầm quan trọng của các nguyên tắc Bandung, nỗ lực tăng cường đoàn kết Phong trào để đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy giải trừ quân bị, cải tổ Liên hợp quốc… 

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo KLK hoan nghênh những nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, ghi nhận quan ngại của một số nước ASEAN về tình hình phức tạp ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết mọi tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae và Chủ tịch Nghị viện Liên minh Châu Phi (PAP) Roger Nkodo Dang. 

Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Venezuela, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam ủng hộ Chính phủ hợp Hiến của Venezuela, coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Venezuela. 

Chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ và nhân dân Venezuela đang đối mặt, Phó Chủ tịch nước tin tưởng Venezuela sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thách thức này để ổn định, xây dựng đất nước và bảo đảm ấm no, hạnh phúc của nhân dân Venezuela. 

Đánh giá cao vai trò của Venezuela trong Phong trào KLK, Phó Chủ tịch nước đề nghị Venezuela đóng góp một cách tích cực và có trách nhiệm nhằm giữ vững những nguyên tắc, tôn chỉ của Phong trào.

Về phần mình, Tổng thống Nicolas Maduro nhấn mạnh Venezuela hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam; cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doan nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Venezuela, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lương thực và dầu khí.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên, đánh giá cao thành công của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tháng 3/2019.

Phó Chủ tịch nước cho rằng hai nước cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ Triều Tiên cải cách, phát triển kinh tế, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để chuẩn bị cho các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2020. 

Ông Choe Ryong Hae cũng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trên bán đảo Triều Tiên, nhất là việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội tháng 2/2019.

Tiếp Chủ tịch Nghị viện Liên minh Châu Phi, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam rất coi trọng vai trò, vị thế của các nước châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) và mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với AU. 

Cảm ơn các nước châu Phi đã ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch nước cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Châu Phi khi đảm nhận trọng trách tại Hội đồng Bảo an thời gian tới.

Chủ tịch PAP Roger Nkodo Dang nhấn mạnh rất thiện cảm với Việt Nam, mong đẩy mạnh hợp tác kênh Nghị viện giữa AU và Việt Nam thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Venezuela, Triều Tiên và châu Phi chia sẻ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), qua đó đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.