Đức phong toả đợt hai
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết, đợt phong tỏa lần thứ 2 để ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.
Theo tính toán của DIW, ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ euro. Ngoài ra, phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 thời gian gần đây, Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa có giới hạn lần thứ hai bắt đầu từ ngày 2/11. Chính phủ Đức cũng dự kiến chi 10 tỷ euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đợt phong tỏa lần này.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 30/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN. |
Thuỵ Sĩ: Geneva thực hiện bán phong toả
Ngày 1/11, chính quyền bang Geneva đã quyết định sẽ thực hiện biện pháp bán phong tỏa từ 19 giờ ngày 2/11 đến ngày 29/11 trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục, các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa.
Tuy nhiên, trường học, các điểm bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, siêu thị, các hiệu thuốc, cửa hàng dịch vụ và sửa chữa thiết yếu (chi nhánh ngân hàng, bưu điện, điểm bán hàng của các nhà khai thác viễn thông và giao thông công cộng, hiệu sách, người bán hoa, cửa hàng kim khí, đóng giày, tiệm giặt là, xưởng may, thợ khóa, gara ô tô, cửa hàng bán xe đạp có sửa chữa) vẫn mở cửa và có phương án bảo vệ.
Các hạn chế mới, bao gồm đeo khẩu trang trong tất cả các không gian kín công cộng, có hiệu lực trên khắp Thụy Sĩ vào ngày 29/10. Các biện pháp khác có thể khác nhau giữa các bang vì 26 bang ở Thụy Sĩ có quyền tự chủ về các vấn đề y tế.
Anh bắt đầu đánh giá về vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca
Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca Plc (trụ sở tại Anh) ngày 1/11 cho biết các nhà quản lý y tế của Vương quốc Anh đã bắt đầu một tiến trình đánh giá đối với vắc-xin tiềm năng của hãng này ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.Vắc-xin tiềm năng ngừa Covid-19 của AstraZeneca được phát triển cùng với Đại học Oxford.
Theo một người phát ngôn của AstraZeneca, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Anh (MHRA) đang đánh giá về vắc-xin trên, xem xét các dữ liệu lâm sàng, trao đổi với hãng dược phẩm về tiến trình sản xuất và những thử nghiệm để đẩy nhanh tiến trình thông qua.
Ngày 30/10, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng MHRA cũng đã bắt đầu đánh giá về vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer Inc.
Các vắc-xin tiềm năng này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối và dữ liệu sơ bộ sẽ có trong những tuần tới.
Chuyên gia nghiên cứu vắcxin phòng Covid-19 trong phòng thí nghiệm tại Anh. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Australia: Không ca mắc mới trong cộng đồng sau gần 5 tháng
Tại Australia, ngày 1/11 đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng sau gần 5 tháng.
Theo Bộ trưởng Y tế Australia Minister Greg Hunt, bang Victoria, điểm nóng Covid-19 chiếm hơn 90% ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Australia, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp. Như vậy, đây là lần lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, quốc gia châu Đại Dương này không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Australia ghi nhận khoảng 27.500 ca mắc Covid-19, ít hơn nhiều so với đa số các những quốc gia phát triển khác.
Iran ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục
Iran vừa trải qua một ngày đen tối khi số ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ qua lên tới 434 người, mức cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 2/11, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết, tổng số người thiệt mạng trên toàn quốc hiện là 35.298 người. Tổng số ca nhiễm là 620.491 người, tăng 7.719 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tuy nhiên, hãng tin ISNA dẫn lời Mohammadreza Zafarghandi, lãnh đạo Hội đồng y tế Iran, một tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho các bác sĩ tại quốc gia Hồi giáo, tỏ ra hoài nghi về các số liệu công bố chính thức. Ông Zafarghandi cảnh báo, Iran có thể đã đạt "tỉ lệ tỷ vong thảm khốc". Thông qua khảo sát tại các bệnh viện và nghĩa địa, hội đồng của ông phát hiện số ca tử vong thực tế cao hơn ít nhất 3 lần con số thống kê của Bộ Y tế.
Bất chấp tranh cãi, Chính phủ Iran đã quyết định hạn chế đi lại tại 25 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất, bao gồm cả thủ đô Tehran để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo truyền hình quốc gia, lệnh mới sẽ có hiệu lực từ trưa 2/11 tới ngày 6/11.