Hôm 26/10 (theo giờ Canada), Tòa án tối cao British Columbia tiếp tục tiến hành phiên điều trần về việc có tồn tại vấn đề lạm dụng trình tự trong quá trình các cơ quan chấp pháp của Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu hay không. Trong thời gian 5 ngày của phiên điều trần này, luật sư của bà Mạnh sẽ tiến hành tranh luận với đại diện cơ quan kiểm soát biên giới, lực lượng cảnh sát kỵ binh Canada.
Phía luật sư của bà Mạnh cho rằng, trong quá trình bắt giữ bà Mạnh, quan chức chính phủ Mỹ đã “chỉ thị” cho cơ quan chấp pháp Canada tiến hành lục soát không chính đáng, vi phạm các quyền lợi cơ bản của bà Mạnh. Trước đó, Bộ Tư pháp Canada cũng cho biết, tòa án sẽ không đưa ra phán quyết sau phiên điều trần lần này mà chỉ ghi nhận các thông tin để tiến hành vòng điều trần tiếp theo về việc các cơ quan chấp pháp Canada có lạm dụng trình tự hay không, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2021.
Hình ảnh bà Mạnh Vãn Châu ở sân bay ngày bày bị bắt. |
Trình bày trước Tòa án Tối cao British Columbia ngày 26/10 (giờ Canada, tức 27/10 giờ Việt Nam), Winston Yep cho biết, ông nhận được yêu cầu "bắt lập tức" giám đốc tài chính tập đoàn Huawei từ phía Washington vào đầu tháng 12/2018, một ngày trước khi bà lên máy bay ở Hong Kong để tới Mexico và quá cảnh tại Vancouver, Canada.
Yep khai rằng ông không biết bà Mạnh là ai cho đến khi trước khi bắt bà (ngày 1/12/2018) 1 ngày và viên cảnh sát này chỉ tham gia vào vụ án vì đơn vị của anh ta đóng ở khu vực đó thời điểm đó. Vì bà Mạnh là "một người có địa vị cao", cấp trên của Yep cũng có mặt ở sân bay khi bắt người để đảm bảo không xảy ra sai sót.
"Chúng tôi bàn về việc lên máy bay để bắt nghi phạm, nhưng cho rằng đó không phải phương án hay vì sự an toàn của các sĩ quan và công chúng", Yep nói.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt khi quá cảnh ở sân bay Vancouver hôm 1/12/2018. Bà bị cáo buộc nói dối ngân hàng HSBC về các giao dịch giữa Huawei với công ty Skycom của Iran, khiến ngân hàng này gặp rủi ro vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Washington muốn Ottawa dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Yep cho hay các giới chức Mỹ đã hướng dẫn cho các đồng nghiệp Canada thu giữ điện thoại và laptop của Mạnh Vãn Châu và đặt vào trong một loại túi đặc biệt được thiết kế để chặn mọi hành vi "xóa dữ liệu từ xa".
Bản sao giấy ủy quyền của Bộ Tư pháp Canada cho tổng chưởng lý để lấy lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. |
Đội ngũ luật sư của Mạnh Vãn Châu đã yêu cầu mở phiên điều trần trong tuần này, nhằm thuyết phục Thẩm phán Heather Holmes rằng cảnh sát và biên phòng Canada đã vi phạm quyền của Mạnh Vãn Châu khi thẩm vấn và khám xét thiết bị của bà trong ba tiếng sau khi bà rời khỏi máy bay nhưng chưa có lệnh bắt.
Trong tuần tới, họ sẽ tranh luận rằng việc cảnh sát tịch thu và chuyển nội dung trong các thiết bị điện tử của bà Mạnh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) là Vi phạm Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada.
Theo hồ sơ tòa án, đội luật sư của Mạnh cáo buộc giới chức Canada và Mỹ đã "cùng âm mưu trì hoãn việc bắt Mạnh và cố thu thập thông tin để giúp cho các nhà chức trách Mỹ truy tố Mạnh về tội lừa đảo". Nếu họ chứng minh được cáo buộc này, quy trình dẫn độ Mạnh Vãn Châu sang Mỹ sẽ phải dừng lại.
Các luật sư của Bộ Tư pháp Canada đã phản bác rằng cảnh sát và Bộ Tư pháp không vi phạm bất kỳ quyền lợi nào của Mạnh Vãn Châu, cũng như không cùng Mỹ âm mưu xâm phạm quyền của bà.
Bà Mạnh Vãn Châu tới tòa ngày 26/10. |
Các sĩ quan biên phòng Canada sẽ ra tòa làm chứng trong tuần này về những gì xảy ra ở sân bay Vancouver. Sau đó, luật sư của bà Mạnh dự kiến tranh luận tại phiên điều trần vào tháng 2 năm sau.
Được biết, sau khi có phán quyết vào tháng 2/2021, phiên xét xử bà Mạnh sẽ bước vào giai đoạn 3, khi Tòa án đưa ra quyết định cuối cùng có hay không việc cho phép dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ
Nhóm luật sư này dự kiến phản biện rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cản trở bà Mạnh có một phiên xét xử công bằng khi tuyên bố ngay sau khi bà bị bắt rằng có thể đổi giám đốc tài chính Huawei lấy các nhượng bộ thương mại từ Trung Quốc. Vụ kiện dự kiến kết thúc vào tháng 4/2021.
Trước khi xảy ra phiên điều trần mới nhất của Tòa án tối cao British Columbia xoay quanh vụ án bà Mạnh Vãn Châu, Tập đoàn Huawei ngắn gọn nêu rõ, tập đoàn này tin tưởng hệ thống tư pháp của Canada sẽ bảo vệ sự trung thực cũng như bảo đảm công bằng và khách quan trong quá trình xét xử bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính Tập đoàn. Thông báo cũng cho rằng, Huawei luôn tin tưởng sự trong sạch của bà Mạnh, đồng thời ủng hộ bà này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.