Tránh tùy tiện với "án lệ"
Để bảo đảm công lý và thực hiện quyền tư pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS - sửa đổi) cũng đề cập đến án lệ như một căn cứ quan trọng cho Tòa án giải quyết các yêu cầu đa dạng của người dân, nhất là đối với những trường hợp chưa có qui định pháp luật điều chỉnh. Theo Ủy ban Tư pháp, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thủ tục, trình tự công nhận án lệ.
Trong Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng chưa làm rõ được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì TAND áp dụng án lệ như thế nào; chưa có tiêu chí, điều kiện để áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự… nên cần nghiên cứu để đưa việc áp dụng án lệ vào Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng án lệ mà không quy định trong BLTTDS (sửa đổi).
Nhiều ý kiến tán thành vai trò của án lệ trong nâng cao chất lượng xét xử, nhất là khi pháp luật không thể bao quát hết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực dân sự “mênh mông” và chuyển động từng ngày. Nhưng các chuyên gia quan tâm là phải xác định áp dụng án lệ cho rõ, làm thế nào cho bảo đảm chính xác, đúng theo công lý, tránh tùy tiện trong áp dụng án lệ.
"Án lệ" để ngăn tham nhũng
Vì thế, để trở thành một "án lệ" không phải chuyện dễ dàng, đòi hỏi cả một quá trình tổng kết, đánh giá, cả trình độ dân trí, cần sự chu đáo, kỹ lưỡng, công tâm của Hội đồng xét xử (HĐXX).
“Cho nên không thể nói có án lệ là có án lệ ngay được, mà nó phải có quá trình từ tư duy, nhận thức về vai trò của án lệ” - ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định. ĐB Lê Nam - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, án lệ phải đảm bảo việc xét xử theo pháp luật nên án lệ phải được TANDTC tổng kết, đánh giá, ban hành dưới dạng một văn bản như pháp luật.
Thực tế hàng năm TANDTC vẫn tổng kết công tác xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết và là cơ sở để Tòa án địa phương áp dụng khi có vụ việc tương tự. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn giải thích thêm, trên cơ sở bản án có nội dung chưa rõ ràng, mà người ta phân tích chặt chẽ, rõ ràng, Hội đồng Thẩm phán thấy chấp nhận được, có ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các ngành tư pháp, trên cơ sở lựa chọn, xác định được rồi thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC thống nhất ban hành bản án đó là án lệ.
"Án lệ" được ban hành có hai hình dung. Một là, những nội dung chưa rõ ràng, thì được làm rõ. Thứ hai, bản án thống nhất đường lối, khi công bố công khai lên thì nó thể hiện sự minh bạch trong hoạt động xét xử.
Những vụ án tương tự như thế thì không thể có đường lối khác được.
“Có "án lệ" sẽ tạo niềm tin cho người dân, khi có những vụ án tương tự như thế thì không phải đi nhờ vả ai giúp đỡ. Tránh tình trạng tham nhũng và cũng để chống tham nhũng trong ngành Tòa án vì ban hành án lệ cũng là một trong những biện pháp minh bạch trong hoạt động xét xử của tòa án” – ông Nguyễn Sơn khẳng định.
Ngoài ra, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lưu ý đến “án lệ của dân gian” vì thực tế nhiều vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng nhờ những “án lệ” bất thành văn, hình thành từ phong tục, tập quán của một cộng đồng, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số./.