Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
(PLVN) - Đầu phiên họp sáng nay, 24/11, với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về tài nguyên viễn thông, có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền.

Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá (Điều 50) cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến (như trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật) và trả giá lên theo giá khởi điểm và bước giá là phù hợp quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, tạo điều kiện để xác định được chính xác giá trị số thuê bao đấu giá theo cơ chế thị trường.

Về biện pháp để kiểm soát việc người trúng đấu giá không mua tài sản, UBTVQH cho hay, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô...

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48); trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Khoản 10 Điều 50 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản (quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản).

Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Từ lý do nêu trên, UBTVQH đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, về vấn đề này, UBTVQH cho hay, Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định 2 phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên và đặt giá xuống.

Các loại mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thuộc loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản và được quy định cụ thể tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật.

Theo quy định tại Điều 55 và khoản 2 Điều 58 Luật Đấu giá tài sản, kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thuộc loại tài sản phải thực hiện theo phương thức trả giá lên. Do đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.

Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về xử lý trong trường hợp đấu giá không thành đối với tài nguyên viễn thông là tài sản công để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,

UBTVQH nhận thấy, khoản 3 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản quy định “Việc xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản” (dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản không sửa đổi nội dung này). Qua rà soát, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định về đấu giá đối với mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.

Dự thảo Luật quy định, sau 2 lần đấu giá không thành, mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được phân bổ, cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân (điểm e khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 50). Quy định này là phù hợp vì phương pháp lựa chọn tài nguyên viễn thông đưa ra đấu giá trong dự thảo Luật là đưa tất cả các mã, số, tên miền (phải phân bổ, cấp thông qua phương thức đấu giá) niêm yết công khai để thị trường lựa chọn đấu giá theo nhu cầu chứ không chỉ lựa chọn đưa ra đấu giá các mã, số, tên miền đặc biệt xác định theo tiêu chí chủ quan do cơ quan Nhà nước quy định.

Nếu tiếp tục thực hiện đấu giá lại sau 02 lần không thành thì sẽ tốn chi phí, ít có khả năng tăng thu cho ngân sách nhà nước, không đưa tài nguyên viễn thông vào khai thác sử dụnghiệu quả.

Hiện nay, điểm e khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật quy định đối với các mã, số viễn thông sau 2 lần đấu giá không thành, mặc dù phân bổ trực tiếp nhưng tổ chức, doanh nghiệp khi được phân bổ sẽ phải nộp tiền cấp quyền sử dụng bằng phí sử dụng 01 năm của mã, số viễn thông đó.

Quy định theo hướng này bảo đảm phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Do vậy, UBTVQH xin được giữ quy định về xử lý sau đấu giá không thành như dự thảo Luật.

Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trừ một số quy định chuyển tiếp.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.