Giai đoạn 2012-2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng đã ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật; 12 kết luận/thông báo; 14 chương trình; 136 quyết định; 424 kế hoạch; 576 công văn hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc; 86 văn bản khác để triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã tổ chức 36.668 cuộc PBGDPL trực tiếp, thu hút trên 3,7 triệu người tham dự; tổ chức 12.077 cuộc thi với sự tham gia của trên 2 triệu người; biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí trên 18,7 triệu tài liệu; đăng tải, phát 42.253 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát sóng 10.269.508 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; 2.500 tin, bài trên báo Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 1.260 tủ sách pháp luật.
Ngay sau khi Luật PBGDPL được thông qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thi hành.Đồng thời, ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, đề án, kế hoạch theo từng giai đoạn, định kỳ hằng năm, hoặc theo từng chuyên đề và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động PBGDPL, gắn trách nhiệm hiệu quả công tác với vai trò người đứng đầu.
Tuyên truyền Luật Biên phòng, Luật Hải quan Việt Nam tại TP Móng Cái. |
Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL được nâng lên, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 171 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 377 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.476 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đáng chú ý là trong đội ngũ này có 209 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, 15 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở là luật sư, luật gia. Toàn tỉnh hiện có 1.544 tổ hòa giải với 8.951 hòa giải viên.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh luôn chỉ đạo sát sao các ngành, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an, hải quan, biên phòng, kiểm lâm, Sở Tư pháp, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, các vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực, diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, những vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận. Từ đó, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức phù hợp và bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện.
Tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại TX Đông Triều. |
Các hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo trên cơ sở phát huy những hình thức truyền thống và tăng cường các hình thức PBGDPL ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL. Nhiều hình thức PBGDPL mới được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: PBGDPL trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin tài liệu; biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua cổng thông tin, trang thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, địa phương; thi tìm hiểu pháp luật; thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ pháp luật.
Một số mô hình, cách làm hay trong việc hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng được các cơ quan, tổ chức, địa phương triển khai hiệu quả như TX Quảng Yên tổ chức định kỳ hằng năm hội thi "Thanh niên với an toàn giao thông"; Sở GD&ĐT triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật đến nhiều trường học bằng hình thức sân khấu hóa; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức 1.080 buổi tuyên truyền Ngày Pháp luật, thu hút 45.000 lượt CBCS biên phòng và 80.000 lượt người dân tham dự.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Chính Nghĩa, cho biết: Nội dung và hình thức PBGDPL đã được các cơ quan ban ngành của tỉnh triển khai thực hiện ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, góp phần không nhỏ vào thành công chung của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua.