Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Quảng Nam mong muốn năm 2022 đón trên 4 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó 50% là khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 12 triệu lượt khách du lịch.
Để đạt được mục tiêu sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh với mục tiêu thúc đẩy ngành Du lịch phát triển theo hướng bền vững với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP) trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững của quốc tế, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Bộ Tiêu chí du lịch xanh gồm 6 bộ tiêu chí dành cho 6 loại hình du lịch dịch vụ gồm: Khách sạn (9 chủ đề); Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - Homestay (10 chủ đề); Khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề); Doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề); Điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề); Điểm tham quan (11 chủ đề) áp dụng từ năm 2022-2025.
Các chủ đề chính mà tỉnh hướng đến là quản lý môi trường chung; quản lý điện năng; nước; nước thải; chất thải rắn; chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn; hỗ trợ cộng đồng địa phương; xây dựng và quản lý sản phẩm du lịch bền vững…
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao Giấy chứng nhận “Điểm đến du lịch xanh” cho các doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng thành công các sản phẩm du lịch xanh thời gian qua. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và huy động nguồn lực cho phát triển du lịch xanh. “Nội hàm của du lịch xanh có 3 thành tố trụ cột. Thứ nhất, du lịch xanh phải đảm bảo phát triển bền vững; thứ hai là bảo vệ môi trường mà cảnh quan thiên nhiên; thứ ba là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam nói riêng và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung”, ông Trần Văn Tân nói.
Được biết, phát triển du lịch xanh được xem là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, phát triển theo xu hướng xanh đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.