Chỉ cần ôm… laptop đi kiểm tra
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, bắt đầu từ 1/2/2022, Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (VPHC) - Hệ thống INS của Tổng cục sẽ chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng sau 2 năm triển khai thí điểm.
Trước đây khi đi kiểm tra, kiểm soát viên phải đem theo các giấy tờ như quyết định kiểm tra, biên bản kiểm tra, bảng kê, biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong, biên bản VPHC (gọi chung là ấn chỉ). Sau khi tiến hành kiểm tra, các kiểm soát viên sẽ viết ấn chỉ.
Nhưng khi Hệ thống INS đi vào hoạt động, mỗi cuộc kiểm tra chỉ cần ôm theo… một chiếc laptop. Tất cả đã tích hợp sẵn trên hệ thống, các kiểm soát viên chỉ cần gõ trên máy tính là xong.
Song song với quá trình kiểm tra, các thông tin xử phạt sẽ được cập nhật trực tiếp trên hệ thống theo từng quy trình với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau từ đó hạn chế thấp nhất việc bỏ qua các bước kiểm tra dẫn đến nguy cơ khiếu kiện, khiếu nại sau này.
Người đứng đầu Tổng cục QLTT sẽ là người nắm rõ tất cả các vụ việc kiểm tra, các dấu hiệu, hành vi, các cá nhân, tổ chức vi phạm trong ngày diễn ra trên địa bàn cả nước. Theo phân cấp đó, Cục trưởng các Cục QLTT cũng sẽ nắm được vụ việc kiểm tra trên địa bàn của từng tỉnh. Đội trưởng sẽ nắm được các vụ việc kiểm tra trên địa bàn Đội quản lý từ đó tăng kiểm soát.
“Theo phân cấp này sẽ tăng tính giám sát của cấp trên đối với cấp dưới để hạn chế mức thấp nhất sai sót xảy ra - đây là một trong những lợi thế của Hệ thống INS”, đại diện Tổng cục QLTT nói.
Với hệ thống này, các hành vi kiểm tra không đúng kế hoạch, làm sai quy trình cũng sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Đặc biệt, hệ thống sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần vào công tác quản lý địa bàn, dễ dàng xác định các hành vi tái phạm của các tổ chức, cá nhân mà lực lượng QLTT trong cả nước đã kiểm tra, xử lý.
Đồng thời, việc triển khai Hệ thống INS là nền tảng cơ bản để liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC, tương thích với sự thay đổi của hệ thống quy phạm pháp luật mới, đặc biệt tại Nghị định 118/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC.
Đáng chú ý, hệ thống này sẽ giúp giảm thiểu ngân sách rất lớn cho khoản in sẵn mẫu ấn chỉ.
Giải đáp 100 cuộc gọi mỗi ngày về hệ thống INS
Ngay sau khi lực lượng QLTT hoạt động theo mô hình mới, đơn vị đã chủ trương số hóa toàn bộ hoạt động. Ngay năm đầu tiên thay đổi mô hình quản lý, 100% văn bản đi đến của Tổng cục QLTT đã được thực hiện trên môi trường điện tử. Toàn bộ các hoạt động quản lý như kế toán, nhân sự, thi đua khen thưởng đều được thực hiện dưới dạng phần mềm.
Riêng việc xử lý VPHC khó khăn hơn trong việc số hóa nên mất nhiều thời gian thực hiện thí điểm nhất.
Ông Ngô Khánh An, phụ trách về công nghệ thông tin tại Tổng cục QLTT cho biết, giai đoạn đầu triển khai vướng rất nhiều thứ, từ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, sự am hiểu ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đến máy móc, thiết bị, công cụ hỗ trợ... Thêm vào đó, tâm lý ngại thay đổi từ cái cũ sang cái mới khiến cho không ít đội đã ngại ngùng trong thực hiện.
Khi mới triển khai hệ thống INS, mỗi ngày có trên 100 cuộc điện thoại gọi đến cho ông An để hỏi về những vấn đề trong quá trình thao tác nhập dữ liệu vào hệ thống. Rất nhiều cuộc tập huấn cũng được Tổng cục QLTT tổ chức để giải đáp những vướng mắc cho toàn lực lượng. Chương trình dần đi vào quy củ và thuận lợi hơn từ giữa năm 2021.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT khẳng định, khó khăn trong triển khai hệ thống INS là rất lớn. Bởi Tổng cục thực chất là được nâng cấp từ tổ chức cũ, rất nhiều kiểm soát viên tại các đơn vị gặp khó trong thao tác về máy tính.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Giang, trước quyết tâm đổi mới của người đứng đầu lực lượng, nhiều cuộc tập huấn đã được thực hiện theo hướng người học trước truyền đạt lại cho người học sau. Đây chính là những cuộc tự trau dồi, trang bị kỹ năng, kinh nghiệm… bởi cứ vướng chỗ nào lại… “bốc máy gọi là được giải đáp cụ thể, kỹ càng”. Đến nay, các kiểm soát viên của Hà Giang đã sẵn sàng sử dụng INS trong các cuộc kiểm tra”.